14/12/2016 - 14:11

Sản xuất lúa giống chất lượng cao

Hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần trên 500 ngàn tấn giống lúa xác nhận nhưng nguồn giống từ các viện, trường và trung tâm giống chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, tư nhân sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng khoảng dưới 10%. Như vậy khoảng 60-70% hạt giống sản xuất vẫn chưa được cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia. Xuất phát từ nhu cầu gia tăng lượng giống lúa cấp xác nhận và đưa đến tay nông dân, từ năm 2014-2016, Viện Lúa ĐBSCL đã triển khai Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại vùng ĐBSCL" (gọi tắt là Dự án). Dự án góp phần nâng diện tích sử dụng hạt giống gieo sạ có phẩm cấp, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trong toàn vùng.

* Vượt về diện tích và sản lượng

Để triển khai Dự án, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL cung cấp hơn 60 tấn giống nguyên chủng các loại cho các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện Dự án. Giống lúa chủ yếu cung cấp cho các đơn vị tham gia Dự án là giống OM5451 và OM4900. Đây là những giống lúa được Viện Lúa ĐBSCL nhân ra và cung cấp cho các đơn vị để nhân thành giống xác nhận phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tổng diện tích triển khai trong 3 năm thực hiện Dự án đạt 2.329 ha, vượt 11,5% diện tích so với yêu cầu. Tổng sản lượng lúa giống xác nhận các đơn vị cung cấp cho thị trường là 12.580 tấn giống các loại so với yêu cầu là 10.000 tấn giống, vượt 26% kế hoạch. Sau 3 năm thực hiện, ngoài nguồn vốn đầu tư từ Dự án, các đơn vị tham gia bằng nguồn vốn huy động của mình đã đóng góp thêm khoảng 62 ngàn tấn giống xác nhận cung cấp cho sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Lượng giống này góp phần đáng kể trong thúc đẩy sử dụng giống xác nhận trong vùng, nâng cao chất lượng của lúa hàng hóa.

Nông dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch lúa trong mô hình liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao của Viện Lúa ĐBSCL.

So sánh năng suất, chất lượng của các mô hình tham gia Dự án với diện tích sản xuất lúa đại trà, Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Với sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát Dự án, sự chỉ đạo kịp thời của các đơn vị liên quan, sự phối hợp của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nông dân tham gia, nên tất cả các mô hình đều đạt kết quả cao. Năng suất trung bình của các mô hình đạt 5,3 tấn/ha; có một số địa điểm đạt 5,5-5,8 tấn/ha; 90% lúa giống do mô hình sản xuất ra đảm bảo chất lượng đạt cấp xác nhận. Các đơn vị phối hợp thực hiện đã thu mua lại lúa giống của nông dân tham gia mô hình để phân phối, cung cấp cho sản xuất lúa hàng hóa tại vùng. Bình quân lợi nhuận thu được trên mỗi kg lúa tăng hơn so với ngoài mô hình từ 1.000-1.500đồng/kg. Lợi nhuận tăng thêm trung bình mỗi ha là 8-12 triệu đồng/ha. Qua mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa giống của Dự án, nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL được sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao với giá thấp hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với các đơn vị cung cấp khác, giúp chi phí sản xuất lúa hàng hóa của nông dân giảm từ 120.000-200.000 đồng/ha.

* Cần nhân rộng mô hình

Trước khi triển khai Dự án, chỉ có khoảng trên 30% diện tích của các địa phương trong vùng ĐBSCL sử dụng giống lúa xác nhận. Theo kiểm tra thực tế của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tại một số tỉnh, đến tháng 9-2016, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận ở ĐBSCL đã tăng lên khoảng 50%. Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, diện tích sử dụng giống xác nhận tại ĐBSCL đã tăng lên khoảng 57%. Một số địa phương có diện tích sử dụng giống xác nhận trên 70% là: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long. Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường cho biết: Dự án còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng giống lúa xác nhận, nâng cao chất lượng hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong 3 năm, Dự án đã thực hiện đầy đủ các mục tiêu, từ xây dựng mô hình sản xuất lúa giống cho tới tập huấn kỹ thuật, tham quan, hội thảo trong và ngoài mô hình. Dự án đã hoàn thành tập huấn trong mô hình, đạt 1.680 lượt người tham gia; tập huấn ngoài mô hình với 6.650 lượt người tham gia. Khi được tập huấn nông, dân tham gia trực tiếp vào công tác sản xuất giống, trở thành những nhân tố tích cực trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân địa phương, là điểm sáng trong việc đi đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo mô hình. Nông dân sản xuất lúa giống trong mô hình yên tâm canh tác và làm vệ tinh sản xuất giống do được ký kết hợp đồng với đơn vị phối hợp Dự án, đảm bảo diện tích, đầu tư và giá thu mua.

Từ các thành công của Dự án, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục cho phép triển khai thực hiện Dự án khuyến nông "Hỗ trợ sản xuất giống lúa xác nhận cung cấp cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2" nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa xác nhận và phát triển các giống lúa có khả năng chống chịu mặn để hỗ trợ sản xuất giống phục vụ nhu cầu ở các vùng bị xâm nhập mặn cũng như khô hạn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng hạt giống để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh giống; giúp nông dân sản xuất lúa hàng hóa được tiếp cận với hạt giống chất lượng. Viện Lúa đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh tăng cường hỗ trợ cho nông dân sử dụng giống lúa có phẩm cấp, hỗ trợ đơn vị tham gia Dự án tiêu thụ giống chất lượng thông qua chương trình trợ giá giống cho nông dân tham gia cánh đồng lớn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết