02/10/2008 - 20:28

Mô hình mới ở nhiều hợp tác xã TP Cần Thơ

Sản xuất kinh doanh kết hợp với đào tạo nghề

Người dân ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, học nghề đan giỏ bằng bẹ chuối do HTX Kim Hưng hướng dẫn.

Không chỉ chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh, gần đây, một số hợp tác xã (HTX) ở TP Cần Thơ còn kết hợp dạy nghề cho xã viên, người lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đó là mô hình mới của các HTX nghề thủ công mỹ nghệ, xây dựng, cơ khí trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ đầu năm đến nay, được sự hỗ trợ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên minh HTX TP Cần Thơ, các HTX đã và đang dạy nghề cho hơn 300 lao động…

* Vừa sản xuất kinh doanh vừa đào tạo nghề

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền) phấn khởi cho biết: Hiện nay, nhiều phụ nữ xã Nhơn Ái có nghề mới, tăng thêm thu nhập nhờ biết được nghề đan lục bình, bẹ chuối... do HTX Kim Hưng (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức. Nhiều học viên vừa mới học xong nghề, được HTX giao hàng gia công nên rất mừng và cho rằng nghề đan lục bình, đan bẹ chuối dễ làm và rất phù hợp trong lúc nông nhàn. Xã Nhơn Ái là xứ vườn có rất nhiều chuối, trong tương lai sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây chuối xuất khẩu mạnh thì lợi thế nơi đây khai thác nguồn nguyên liệu bẹ chuối sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Đây không phải lần đầu tiên HTX Kim Hưng dạy nghề cho phụ nữ nông thôn. Ngay khi thành lập (đầu năm 2006), HTX Kim Hưng đã chú trọng đào tạo đội ngũ thợ. Không chỉ đào tạo và tạo việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn liên kết với các đoàn thể các nơi khác để tổ chức dạy nghề đan giỏ, kệ, thùng, tủ, thảm... từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối cho người lao động tại các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thốt Nốt. Sau khi học nghề xong, người lao động hợp đồng nhận gia công hàng xuất khẩu cho HTX Kim Hưng, thu nhập bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, đội ngũ thợ của HTX không ngừng tăng lên và sản phẩm cung ứng xuất cũng gia tăng theo. Chủ nhiệm HTX Kim Hưng, Huỳnh Thị Ánh Nguyệt, cho biết thêm: Đội ngũ thợ của HTX Kim Hưng từ vài chục người khi mới thành lập, nay tăng lên 600-700 lao động. Năm 2007, HTX Kim Hưng đã cung ứng xuất khẩu trên 400.000 sản phẩm các loại. Còn 9 tháng đầu năm nay, cũng đã xuất khẩu hơn 300.000 sản phẩm.

* Triển vọng của mô hình

Không chỉ riêng HTX Kim Hưng mà hiện nay TP Cần Thơ có 4 HTX khác đã và đang xúc tiến dạy nghề cho người lao động. Đó là HTX Minh Quân (Thốt Nốt), HTX Tiến Lợi (phường Trà An, quận Bình Thủy), HTX Kinh Bắc (phường Trà An, quận Bình Thủy) và HTX Đồng Tiến. Các nghề đang được dạy là cơ khí, xây dựng, mộc, chạm trổ, sửa chữa ô tô, cơ khí nông nghiệp. Đối tượng học nghề là bộ đội xuất ngũ, người chuyển đổi nghề xe lôi, xe ba gác, người khuyết tật, nông dân ở các vùng đất nông nghiệp chuyển đổi... Các đối tượng này, được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ hỗ trợ tiền học nghề, các HTX tận dụng cơ sở, phương tiện sản xuất kinh doanh sẵn có để đào tạo nghề.

Ông Phan Văn Vững, Chủ nhiệm HTX Kinh Bắc, chuyên sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đồ gỗ, vừa mới khai giảng lớp dạy nghề chạm trổ cho 30 học viên Trường dạy trẻ em khuyết tật TP Cần Thơ và chuẩn bị mở thêm lớp dạy nghề cho người khuyết tật ở Cơ sở Nhịp Cầu (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ông Vững cho biết: “Nghề chạm trổ đòi hỏi sự tỉ mỉ rất phù hợp với người khuyết tật, do họ có sự tập trung và chịu khó. Khi học được nghề thì họ cũng có thu nhập khá, đồng thời HTX cũng được thêm nhiều lao động có tay nghề, làm ra sản phẩm nhiều hơn...”.

Từ năm 2005-2006, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp đào tạo nghề nông thôn cho khoảng 300 lao động trong trong HTX, tạo điều kiện giúp cho HTX thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động. Đến tháng 10-2007, Liên minh HTX TP Cần Thơ cùng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ký kết chương trình phối hợp về hoạt động giảm nghèo và dạy nghề giai đoạn 2007-2010. Theo đó, Liên minh HTX TP Cần Thơ phát động cán bộ, xã viên và người lao động khu vực HTX về việc dạy nghề, học nghề, phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả sau khi được đào tạo nghề. Chú trọng tổ chức dạy nghề đối với xã viên sản xuất nông nghiệp, địa bàn nông thôn nhất là các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới giảm nghèo. Quan tâm gia đình chính sách, dân tộc và người tàn tật...

Ông Trương Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, phụ trách tư vấn và hỗ trợ phát triển HTX, cho biết: “Tuy việc dạy nghề của các HTX còn mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả. Sắp tới, Liên minh HTX sẽ nhân rộng mô hình này, rà soát lại các HTX ngành nghề, để mở rộng đào tạo nghề cho các quận, huyện. Các HTX sẽ liên kết với các trung tâm xuất khẩu lao động, để đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu lao động trong nước và nước ngoài. Đây là lĩnh vực mới của HTX nhưng hứa hẹn giải quyết nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người lao động trong khu vực HTX”.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết