07/02/2013 - 21:39

Sân khấu hóa những vấn đề thời sự học đường

Tiết mục “Múa gáo mừng xuân” của đơn vị huyện Thới Lai.

Tại liên hoan “Tiếng hát phụ trách Đội” do Thành đoàn Cần Thơ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức mới đây, nhiều tiết mục đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người xem bởi thầy trò ở các trường đã đưa lên sân khấu những câu chuyện phản ánh thực trạng  học đường. Đó  là chuyện học sinh tập tành hút thuốc lá, có hành vi trộm cắp, bạo lực chốn học đường; hay chuyện thầy cô một trường vùng ngoại thành quyên góp giúp đỡ học sinh nghèo vươn lên đỗ đạt… 

Câu chuyện về một học sinh sống đua đòi, sa vào các tệ nạn xã hội được thể hiện qua tiết mục múa “Hướng về nẻo sáng” tạo ấn tượng đối với người xem. Câu chuyện về một học sinh tập tành hút thuốc lá nhằm thể hiện bản lĩnh cá nhân, trộm cắp vặt, bạo lực học đường vì không có tiền chi tiêu được các thầy giáo trẻ thể hiện tinh tế. Anh Đàm Văn Giàu, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (quận Ô Môn), chia sẻ: “Lứa tuổi của các em rất dễ bị cám dỗ, sa vào những trò tiêu khiển không lành mạnh. Bên cạnh tuyên truyền, mỗi thầy cô, bạn bè cần sát cánh giúp đỡ học sinh chậm tiến hòa nhập cộng đồng. Trong đó, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng, giáo dục các em…”.

Chăm lo cho học sinh là nhiệm vụ không chỉ của nhà trường mà cần có sự hợp lực của gia đình, xã hội cũng là chủ đề xuyên suốt của các tiết mục thi diễn của đơn vị Quận đoàn Thốt Nốt. Cảm động nhất là hình ảnh thầy cô vận động quần, áo, học bổng hỗ trợ cho học sinh nghèo có điều kiện học tốt. Tiết mục múa với nội dung đơn giản, hồn nhiên, nhưng chất chứa nhiều cảm xúc khó quên. Anh Lê Hữu Toàn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thới Thuận 1, bộc bạch: “Dù bận rộn, nhưng từ hơn nửa tháng qua chúng tôi vẫn tranh thủ thời gian tập luyện, với mong muốn được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động văn nghệ với các đơn vị bạn. Qua đó, bản thân tôi cũng học được nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích cho công tác Đội”. Theo anh Toàn, các hoạt động văn hóa văn nghệ là yếu tố quan trọng thu hút học sinh tham gia, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội. Vì vậy, anh mong rằng ngày càng có nhiều chương trình để giáo viên - Tổng phụ trách Đội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Đối với anh Trần Hữu Dư, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Thới (huyện Phong Điền), thì liên hoan là dịp để anh học nhiều cách làm sáng tạo của các đồng nghiệp trong công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh. Anh Dư cho biết: “Chủ đề các tiết mục dự thi của đơn vị Huyện đoàn Phong Điền là biển đảo quê hương. Vì vậy, trong suốt quãng thời gian tập luyện, anh luôn tìm hiểu chủ quyền biển đảo từ sách báo đến internet rồi trau dồi kiến thức với đồng nghiệp”. Điều anh tâm đắc nhất là đã học được cách biên đạo các bài múa mới, học được những ca khúc hay về biển đảo để áp dụng vào liên đội trường mình. Theo lời anh Dư, để tuyên truyền biển đảo cho học sinh, anh Dư thường sưu tầm tài liệu rồi lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc trong chương trình phát thanh măng non. Từ liên hoan này, liên đội sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ về chủ đề biển đảo. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và nâng cao ý thức chủ quyền biển đảo cho học sinh. Các tiết mục thi diễn của đơn vị Huyện đoàn Phong Điền với nội dung ca ngợi vẻ đẹp non sông, biển cả và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đã chứng minh đây là cách tuyên truyền vừa hấp dẫn, vừa mới lạ cho học sinh.

Lần đầu tiên tham gia liên hoan “Tiếng hát phụ trách Đội”, chị Đào Thị Vi Hạ, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Định Môn 2 (huyện Thới Lai) luôn trong tâm trạng hồi hộp lẫn thích thú. Vừa đảm nhiệm vị trí Tổng phụ trách Đội hơn 4 tháng nên khoảng thời gian tập luyện tham gia liên hoan giúp chị trang bị thêm nhiều kỹ năng cho công tác Đội. Theo chị Hạ, trường có nhiều học sinh là con em dân tộc Khmer, chủ yếu các em tham gia các hoạt động lễ hội tại các chùa. Được gặp gỡ và trao đổi với nhiều giáo viên, Tổng phụ trách Đội, tôi đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút đội viên, học sinh tham gia. Chị Hạ chia sẻ: “Sắp tới, liên đội trường sẽ phối hợp với các chùa tổ chức các hoạt động vui chơi, dạy múa hát cho các em, đặc biệt các bài múa mang bản sắc dân tộc Khmer. Hoạt động này vừa duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Khmer vừa giúp học sinh trân trọng các giá trị truyền thống”. Anh Trần Hải Long, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: “Liên hoan vừa là sân chơi lành mạnh vừa là cơ hội để mỗi giáo viên, Tổng phụ trách Đội học tập, trao đổi và nhân rộng các mô hình với cách làm hiệu quả”.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết