10/03/2024 - 21:02

Sân chơi phát huy sức sáng tạo của học sinh 

Vượt qua các đội thi đến từ 9 quận, huyện của thành phố, nhóm học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều) đoạt giải Nhất Hội thi Dự án Trường học thông minh cấp tiểu học (hội thi). Hội thi là sân chơi bổ ích, giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực học tập...

Nhóm học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản giới thiệu mô hình Trường học thông minh. 

Hội thi Dự án Trường học thông minh là một trong hai hoạt động chính của Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024, vừa được Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức. Mỗi đơn vị quận huyện tham gia 3 dự án. Mỗi đội thi trưng bày và giới thiệu, thuyết trình dự án. Phần lớn các dự án của học sinh đều thể hiện những ý tưởng xây dựng ngôi trường hiện đại, văn minh, như ứng dụng tích hợp kiến thức Công nghệ,  Vật lý, Toán… để tạo ngôi trường xanh, tự tắt, điều khiển các thiết bị điện.

Vượt qua các đội, nhóm 3 học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản đã đoạt giải Nhất hội thi. Ðó là các em: Võ Ngọc Như Ý (lớp 5A3), Trần Nguyễn Nhật Phương (lớp 4A9) và Ðào Nguyễn Kim Ngân (lớp 4A3). Giáo viên hướng dẫn đội là cô Nguyễn Kim Ngân, cùng sự hỗ trợ của cô Trần Thị Cẩm Tiên, giáo viên Tin học của trường. Cô Nguyễn Kim Ngân cho biết: “Mô hình của nhóm cũng khá giống với các mô hình của đội bạn. Ðiểm khác biệt là có Nhà vệ sinh thông minh, Mái che tự động nên được “ghi điểm” thêm”.

Sản phẩm dự thi của đội 3 em học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản là mô hình trường học thông minh, với tông màu vàng, đỏ làm chủ đạo; được thiết kế bằng các vật liệu như bìa carton của các thùng giấy, giấy Foam, que gỗ và một số phụ kiện trang trí. Mô hình được lắp các hệ thống tự động. Ðiển hình như hệ thống đèn, quạt của phòng học sử dụng cảm biến hồng ngoại, khi có người thì hệ thống đèn, quạt sẽ tự động mở, không có người thì hệ thống sẽ tự động tắt giúp nhà trường tiết kiệm điện và hạn chế cháy nổ khi quên tắt thiết bị điện. Bên cạnh đó, mô hình còn có hệ thống tưới cây, thùng rác, nhà vệ sinh thông minh, mái che tự động... Khi người dùng đến gần mái che, nếu có nước rơi xuống thì mái che của nhà trường tự động đổ xuống gặp công tắc hành trình sẽ dừng lại, mái che còn lắp thêm nút kéo xuống hoặc cuốn lên để sử dụng khi cần, mái che sẽ giúp cho nhà trường tránh được rủi ro tai nạn học đường khi trời mưa…

Theo nhóm tác giả, xuất phát từ ý tưởng xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, với các tiêu chí thân thiện, bảo vệ môi trường, an toàn cho học sinh, nhóm đã phác họa sản phẩm từ chính ngôi trường mình đang học. Sau đó, nhóm trình bày ý tưởng đến các thầy cô. Em Võ Ngọc Như Ý (trưởng nhóm), phụ trách chung và có phân công mỗi thành viên công việc cụ thể, phù hợp với sở trường. Như Ðào Nguyễn Kim Ngân có năng khiếu về mỹ thuật thì phụ trách thiết kế, trang trí mô hình…; Trần Nguyễn Nhật Phương giỏi tin học có nhiệm vụ lắp ráp các thiết bị, sáng tạo mái che. Như Ý nói: “Những phần nào quá khó, chúng em nhờ thầy cô, cha mẹ góp ý, với quyết tâm làm sản phẩm tốt nhất”. Theo Trần Nguyễn Nhật Phương, phần khó nhất là làm mái che, vì phải thiết kế thiết bị công tắc sao cho phù hợp với mô hình trường học, tính toán khi có nước mưa thì mái che được kéo xuống hoặc kéo lên cao khi trời không mưa”. Còn Ðào Nguyễn Kim Ngân cho biết thêm: “Nhiệm vụ của em là vẽ sơ đồ mô hình, trang trí sao cho sản phẩm đẹp mắt. Khi thiết kế thùng rác, em cũng gặp khó vì là bộ phận cảm biến, nên phải tính toán làm sao đến thùng rác sẽ mở ra và đậy nắp lại…”. Nhóm cho biết tâm đắc nhất là mái che và nhà vệ sinh; nhất là nhà vệ sinh thông minh được sử dụng cảm biến hồng ngoại, khi có người bước vào thì hệ thống sẽ phát ra nhắc nhở “Bạn nhớ dội nước và rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh nhé”. 

Ðiều thú vị là cô giáo hướng dẫn đội thi Nguyễn Kim Ngân không dạy lĩnh vực công nghệ, tin học. Cô tốt nghiệp Sư phạm Giáo dục Tiểu học, đang là giáo viên chủ nhiệm của khối lớp 1. Nhưng với đam mê Tin học, cô chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp, tìm học các lớp bồi dưỡng Tin học, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn; nhằm có kiến thức tốt nhất để ứng dụng trong giảng dạy. Cô Nguyễn Kim Ngân cho biết, cô trò tham gia hội thi không quá áp lực. Các em học sinh tham gia giao lưu là chính. Qua hội thi giúp các em đoàn kết, tự tin, nâng cao khả năng học các môn học Toán, Văn, Mỹ thuật…  “Giải thưởng đoạt được là thành quả nỗ lực học hỏi của các em học sinh; sự quan tâm hỗ trợ của Ban Giám hiệu, đồng nghiệp có chuyên môn tin học của trường; nhất là sự đồng lòng ủng hộ của phụ huynh”, cô Kim Ngân bộc bạch.

Còn cô giáo Trần Thị Cẩm Tiên cho biết trong 3 năm công tác tại trường cô nhận thấy các phong trào, hội thi do trường, ngành phát động đã tạo sân chơi sáng tạo cho các em học sinh. Với hội thi này, từ lên ý tưởng đến thực hành tạo sản phẩm, nhóm thực hiện trong 3 tuần, song cả cô trò đều mở mang thêm những kiến thức mới.

Từ nền tảng của hội thi, sản phẩm của đội sẽ được nâng cấp thiết kế, chọn lọc để dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thành phố sắp tới. Cô Nguyễn Kim Ngân cho biết toàn ngành đang phát động phong trào công dân số các cấp. Công dân số cấp tiểu học được thực hiện từ những phần việc nhỏ như thông qua hoạt động trải nghiệm, hội giao lưu, hội thi các cấp; trong đó có dự án mô hình Trường học thông minh… Qua đó, tạo sân chơi phát huy khả năng sáng tạo, giúp học sinh làm quen môn Tin học, vận dụng những kiến thức đã học, cũng như tìm tòi học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng mềm.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết