28/11/2022 - 14:37

Sân chơi lý thú cho những người làm báo phương Nam 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Đêm chung kết Hội thi Tiếng hát người làm báo khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ với chủ đề “Âm vang vọng cổ” vừa kết thúc tại tỉnh Bạc Liêu. Hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích của những người làm báo mà còn lan tỏa di sản đờn ca đất phương Nam.

Thí sinh Phạm Thị Cẩm Nguyên (Đài PT-TH Hậu Giang) đạt giải Nhất hội thi với tiết mục “Bông bồn bồn rụng trắng”.

Thí sinh Phạm Thị Cẩm Nguyên (Đài PT-TH Hậu Giang) đạt giải Nhất hội thi với tiết mục “Bông bồn bồn rụng trắng”.

Thí sinh Phạm Thị Cẩm Nguyên đến từ Đài PT-TH Hậu Giang với phần trình bày ấn tượng bài vọng cổ “Bông bồn bồn rụng trắng” (tác giả Trúc Linh) đã giành giải Nhất tại hội thi. Giọng ca truyền cảm, nhấn nhá và nhịp nhàng vững chãi của chị được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Phần hoạt cảnh minh họa của các đồng nghiệp đến từ Đài PT-TH Hậu Giang tăng hiệu ứng cho tiết mục dự thi.

Phóng viên Lê Thái (Đài PT-TH Bạc Liêu) chọn bài vọng cổ “Biển cạn” (tác giả Ngô Hồng Khanh) viết về những cánh đồng muối ở Đông Hải, Bạc Liêu, để thi diễn trong đêm chung kết. Đây là phần thi chỉn chu, hòa cùng nét tự nhiên, hồn hậu của một giọng ca không chuyên tạo nên điểm nhấn. Anh Lê Thái chia sẻ: “Tôi chọn bài này không chỉ vì ca từ quá hay mà còn vì viết về đặc sản của quê hương mình. Muối Bạc Liêu là niềm tự hào của người Bạc Liêu. Hội thi đã tạo cơ hội cho những người làm báo chúng tôi có dịp thể hiện tình yêu cổ nhạc trên sân khấu rất hoành tráng”.

Tương tự, 8 thí sinh với 7 tiết mục thi tài trong đêm chung kết đều làm nức lòng khán giả. Đây là các thí sinh đã vượt qua vòng bán kết được tổ chức ở 3 khu vực: Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh (diễn ra tại TP Hồ Chí Minh), Bắc Sông Hậu (diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp) và Nam Sông Hậu (diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu). Đêm chung kết là hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.

Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Hội thi Tiếng hát Người làm báo “Âm vang vọng cổ” là cuộc thi ca cổ đầu tiên trên cả nước dành cho những người làm báo, nhằm góp phần bảo tồn và duy trì nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí, những người làm báo thuộc 20 Hội Nhà báo khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ tăng cường giao lưu, kết chặt tình cảm.

Dĩ nhiên, sẽ là khập khiễng nếu so sánh phần thi của những người làm báo tại đêm chung kết với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng bù lại, sự mộc mạc, tự nhiên và dễ thương của các nhà báo mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị. Có thí sinh còn ca chênh, có thí sinh còn khớp, diễn còn hơi run... đủ mọi cung bậc cảm xúc, nhưng tựu trung vẫn là hình ảnh của những người làm báo mê vọng cổ. Nói như giám khảo NSƯT Huỳnh Khải, thí sinh thoải mái ca, thoải mái diễn với gương mặt tươi tắn, không quan trọng chuyện thắng thua. Điều đó làm nên nét đẹp của hội thi.

Trong đêm chung kết, tình đồng nghiệp còn thể hiện rất rõ qua phần hỗ trợ minh họa cho thí sinh. Ví như các đồng nghiệp đến từ Đài PT-TH Bến Tre đã hỗ trợ phần thi “Cây dừa nước mồ côi” của thí sinh Hải Đăng rất công phu bằng một hoạt cảnh có cốt truyện và rất nghệ thuật. Hay phần hỗ trợ cho đôi thí sinh Nguyễn Thị Diệu Hiền - Nguyễn Thị Cúc (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh) với tiết mục “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” cũng rất ấn tượng. Các nhà báo nam nữ lớn tuổi nhưng vẫn hào hứng trên sân khấu để trợ diễn cho đồng nghiệp. Họ xứng đáng nhận được những tràng pháo tay giòn giã từ khán giả.

“Âm vang vọng cổ” khép lại, nhưng âm vang về một hội thi nhiều ý nghĩa vẫn còn vọng mãi, và được kỳ vọng sẽ nối dài trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ bài viết