Có thể khẳng định, năm 2015 đến nay, đánh dấu sự thành công của Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở TP Cần Thơ với hàng loạt xã về đích và hơn hết huyện Phong Điền đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố. Đây là bước tạo đà thuận lợi để công cuộc XDNTM của thành phố chuyển sang cuộc bứt phá mới. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Hoàng Kim Cương, Chánh Văn phòng điều phối XDNTM TP Cần Thơ, cho biết:
- Tính đến nay, TP Cần Thơ có 13/36 xã được công nhận xã nông thôn mới, 20 xã đạt từ 15-19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và không còn xã nào dưới 12 tiêu chí. Việc tuyên truyền XDNTM được xã lồng ghép khéo léo trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các buổi họp dân; thông qua các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ... giúp người dân dần hiểu rõ về XDNTM. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất, ủng hộ tiền mặt, hiện vật, sôi nổi đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, tham gia giám sát công trình... Người dân còn tự sửa sang hàng rào, chỉnh trang nhà cửa; tăng cường liên kết trong sản xuất như tham gia vào mô hình "Cánh đồng lớn"... Năm 2016, thành phố đặt mục tiêu công nhận thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã nào dưới 15 tiêu chí. Đồng thời phấn đấu có 5 tiêu chí (3, 8, 15, 17, 18) 100% xã đều đạt
Phấn đấu đến hết năm 2016 có 100% cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên tham gia công tác XDNTM được đào tạo, tập huấn các nội dung về nông thôn mới, đội ngũ cán bộ từ thành phố đến ấp đạt chuẩn theo Quyết định 1996 của Thủ tướng Chính phủ
Hiện Phong Điền đã là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Cần Thơ. Vậy thành phố đã có hướng chỉ đạo ra sao để Phong Điền phát huy vai trò "mô hình điểm", thưa bà?
- Có thể thấy, sau khi hàng loạt các xã XDNTM của thành phố lần lượt về đích, TP Cần Thơ đón nhận thêm niềm vui lớn: Phong Điền được công nhận là huyện nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên của TP Cần Thơ và huyện thứ 2 của ĐBSCL vinh dự đón nhận danh hiệu này. Niềm vui này là động lực, là chất "xúc tác" tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã, huyện còn lại. Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng Phong Điền vẫn tiếp tục lên kế hoạch để nâng chất từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó và thiếu bền vững. Ban Chỉ đạo huyện và các xã đặc biệt quan tâm nhân rộng những mô hình hay, những điển hình tiên tiến cũng như tạo mọi điều kiện để các xã khác đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm...
 |
Nhà Văn hóa xã Nhơn Ái được xây mới và đưa vào hoạt động giúp học sinh có thêm điểm đến học tập, vui chơi, giải trí.
Ảnh: MỸ THANH |
Bài học rút ra từ công tác XDNTM tại TP Cần Thơ nói chung và tại huyện Phong Điền nói riêng là khâu tuyên truyền đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong XDNTM. Nhờ làm tốt khâu này mà nhận thức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Đại bộ phận cư dân nông thôn - chủ thể của tiến trình XDNTM đã góp phần rất lớn tạo để tạo nên thành quả hôm nay. Tại hầu khắp các xã, người dân hiến đất, hoa màu, ngày công lao động và tiền mặt xây cầu, làm đường giao thông; đắp đập, kè mé, gia cố đê bao... Phong trào thi đua tăng gia sản xuất, giúp nhau thoát nghèo thể hiện qua việc mở rộng diện tích sản xuất của các hợp tác xã; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao... Để tạo nên diện mạo nông thôn mới, người dân còn năng nổ trong việc cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cột cờ và hàng rào, cây xanh; xây dựng cầu xí tự hoại; thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, phân loại rác sinh hoạt để có phương pháp xử lý hợp lý, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân...
Thực tế cho thấy, việc huy động nguồn vốn và phân bổ nguồn lực để thực hiện các tiêu chí thời gian qua luôn là vấn đề nan giải, nhất là trong giai đoạn nước rút để tiến đến được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy, bước sang giai đoạn mới (2016-2020), công tác này được thành phố thực hiện ra sao, thưa bà?
- Thứ nhất, đối với việc huy động - lồng ghép nguồn lực, chúng tôi triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM và Chương trình giảm nghèo cho các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là các công trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM năm 2016 và tiến tới giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và từ vốn doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép với các nguồn khác, tranh thủ nguồn tài trợ của các dự án trong và ngoài nước; vận động nhân dân cùng chung sức XDNTM.
Thứ hai, về phân bổ nguồn lực, thành phố tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu XDNTM, chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn. Văn phòng điều phối sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành hữu quan tiếp tục phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho giai đoạn 2014 - 2016 đối với các xã chưa được hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện đúng các quy định về kiểm soát đầu tư công, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản tại các Văn bản số 1447/TTg-KTN và số 2003/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ; không được để phát sinh nợ mới, chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn.
Thời gian tới, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM ở TP Cần Thơ tập trung vào những công tác trọng tâm nào, thưa bà?
- Về việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương cần xác định việc thực hiện những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó tập trung cho các tiêu chí phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho bà con như mô hình "Cánh đồng lớn", đào tạo nghề giải quyết việc làm... Đây là khâu then chốt hình thành những vùng chuyên canh với những sản phẩm chiến lược phù hợp với lợi thế của từng vùng và nhu cầu của thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng trạm bơm điện, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tăng cường hợp tác bao tiêu, xuất khẩu nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững...
Trong XDNTM, sức dân là "sức bền", người dân là chủ thể, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ công cuộc XDNTM. Do đó, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp". Qua đó, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM. Đây được xem là bước ngoặc quan trọng trong việc giúp người dân chuyển biến về mặt nhận thức, tạo sự đồng thuận trong huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân.
Xin cảm ơn bà!
MỸ THANH (thực hiện)