08/05/2016 - 09:24

Rêu phong đình Thạnh Hòa

Nằm giữa trung tâm chợ Thốt Nốt, đình Thạnh Hòa (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt) là điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây từ hàng trăm năm qua. Trải bao "phong sương, tuế nguyệt", đình Thạnh Hòa vẫn giữ được những lễ nghi, phong tục đậm truyền thống và kiến trúc rêu phong, cổ kính.

Mới đây, đình Thạnh Hòa đã được UBND TP Cần Thơ xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp thành phố, loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Theo tài liệu còn lưu lại tại đình Thạnh Hòa và lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, khoảng giữa thế kỷ XIX, khi thôn Thạnh Hòa Trung được thành lập, dân làng xây dựng một ngôi đình bằng tre lá để thờ phụng thần linh, lấy tên Thạnh Hòa Trung thôn. Vị trí ngôi đình này cách đình Thạnh Hòa hiện tại khoảng 1km, hiện thuộc khu vực Phụng Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Năm 1852, đình được vua Tự Đức (năm thứ 5) sắc phong Thần, lúc bấy giờ còn tên đình Thạnh Hòa Trung, thuộc huyện Tây Xuyên, tổng Định Mỹ. Tuy nhiên, do địa thế cất đình không thuận lợi, cảnh quan không thông thoáng và chật hẹp nên năm 1902, hương chức, hội tề họp bàn dời đình về vàm chợ Thốt Nốt, thuộc làng Thạnh Hòa Trung Nhứt (vị trí hiện nay). Nơi đây, ai cũng thầm khen phong cảnh hữu tình, gần ngã ba sông lớn, cảnh quan thoáng đãng. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ năm 2009 đến nay, Ban Tế tự đình thống nhất gọi là đình Thạnh Hòa.

Đình Thạnh Hòa xây dựng trên diện tích gần 1.400m2, theo hình chữ Nhất, mặt tiền quay về hướng Đông, có kiến trúc đậm chất truyền thống đình Nam bộ, với các hạng mục như võ ca, võ quy, chánh điện. Nét nổi bật trong kiến trúc đình Thạnh Hòa là hệ thống hoành phi, liễn đối và nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ. Các hoa văn phổ biến là rồng, phụng, tùng- cúc- trúc- mai… được thể hiện bằng đường nét và hoa văn tinh xảo. Hơn 100 năm qua, đình Thạnh Hòa luôn được trùng tu, bảo quản cẩn thận. Năm 2014, do nền đình thấp so với hệ thống đường giao thông xung quanh nên Ban Tế tự đình đã mời một vị "thần đèn" ở An Giang về nâng đình lên cao như hiện tại.

***

Nhìn chung, đình Thạnh Hòa có kiến trúc thuần Việt nhưng đôi chỗ lại thể hiện sự giao thoa văn hóa với cộng đồng người Hoa ở Thốt Nốt. Điển hình là cổng tam quan và hệ thống tranh khảm sành sứ ở nóc đình. Chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy có hình tượng ông Nhật, bà Nguyệt và một số tích xưa được thể hiện, có nét tương đồng với Chùa Ông ở Ninh Kiều hay Hiệp Thiên Cung ở Cái Răng. Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu về hệ thống văn tự Hán- Nôm ở đình Thạnh Hòa, có ít nhất 8 bài thơ Đường được thể hiện bằng cách khảm trai trên danh mộc rất sắc sảo. Tiêu biểu ở bức treo trên cột đầu, phía tay trái hướng nhìn vào chánh điện, là bài thơ "Cung Từ Kỳ 2" của nhà thơ Trung Quốc- Cố Huống:

"Ngọc lâu thiên bán khởi sinh ca,

Phong tống cung tần tiếu ngữ hòa.

Nguyệt điện ảnh khai văn dạ lậu,

Thủy tinh liêm quyển cận thiên hà"

Lễ đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố đình Thạnh Hòa. 

Hay một bài thơ hay của nhà thơ Trung Quốc Đỗ Mục là "Sơn hành" cũng được chọn khảm:

"Viễn thướng hàn sơn thạch kính tà

Bạch vân sinh xứ hữu nhân gia

Đình xa toạ ái phong lâm vãn

Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa"

Những bài thơ Đường này khi được chọn khảm ít nhiều đã được Nôm hóa nên mang bản sắc riêng.

Ngoài ra, hệ thống câu đối, văn bản trong đình rất có giá trị. Sắc phong Thần của Đình từ năm 1852- cùng thời điểm đình Bình Thủy được sắc phong- vẫn được phụng thờ kính cẩn. Tìm hiểu trong nội dung sắc phong, chúng tôi nhận thấy từ trước đó, Thần của đình Thạnh Hòa Trung vốn đã được dân tôn thần với danh hiệu Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện nên Sắc phong của vua Tự Đức đã công nhận danh hiệu ấy. Nguyên văn Sắc phong như sau: "Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng chi Thần. Nguyên tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện chi Thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện đôn ngưng chi Thần" (tạm dịch là: "Sắc phong Thần Hoàng Bổn cảnh. Vốn đã tặng Thần Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện đã có công giúp nước, phò dân từ lâu. Nay trẫm mang mạng lớn, luôn nghĩ đến sự tốt đẹp của Thần nên phong tặng Thần thực sự là Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện"). Cũng cần nói thêm, Thần ở đình Thạnh Hòa cũng như phần nhiều các vị Thành hoàng được thờ trong các đình ở Cần Thơ, là những vị thần trong ý niệm chứ không có lai lịch hoặc thần tích cụ thể.

Mặt chính diện của đình Thạnh Hòa.

Một số đôi liễn có giá trị ở đình Thạnh Hòa hiện vẫn được giữ gìn cẩn thận. Điển hình là đôi liễn ở cổng chánh mang nội dung ca ngợi vùng đất này: "Thạnh Hòa cái thế văn chương khải mỹ gia đình phong phú quý. Trung Nhứt ý nhân kim ngọc tạo thành môn hộ hiển vinh hoa" (tạm dịch: "Thạnh Hòa văn chương nổi tiếng, nhà nhà giàu đẹp. Trung Nhứt lòng người vàng ngọc, nơi nơi vinh hoa"). Đặc biệt, đôi câu liễn dưới biển "Thạnh Hòa Trung Thôn" rất hay và "hợp thời": "Độc thư đối thánh hiền yếu tri sở học hà sự. Lập thân tại thiên địa đương cầu vô quý thử tâm". Có nghĩa là: Chuyện học hành với bậc thánh hiền là phải biết học để làm gì. Chuyện lập thân giữa trời đất phải làm sao không thẹn với lòng. Như vậy, chuyện "học để làm gì" và chuyện làm quan, làm giàu, làm người- lập thân- sao cho chánh trực, liêm khiết đã được ông bà xưa chú trọng, răn dạy.

***

Ông Lê Hoàng Nam, Ban Tế tự đình Thạnh Hòa, cho biết, ngoài kiến trúc của đình gần như giữ nguyên vẹn thì các nghi thức cúng tế ở đình cũng được tổ chức đúng truyền thống. Hằng năm, đình Thạnh Hòa đáo lệ Kỳ yên Thượng điền từ ngày 19-21/4 (âm lịch) và Hạ điền trong hai ngày 19 và 20/11 (âm lịch). Ngoài ra, Ban Tế tự của đình có đủ hương văn, hương lễ, hương nhạc… rất quy củ. Mỗi lệ Kỳ yên, đình Thạnh Hòa đều có hát bội phục vụ nhân dân, các nghi lễ: Túc yết, Xây chầu, rước Sắc Thần du ngoạn… đều được tổ chức trang nghiêm. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, đánh giá: "Đình Thạnh Hòa là một trong các ngôi đình đẹp, vốn còn lại không nhiều ở Cần Thơ cũng như khu vực ĐBSCL, là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc".

Hơn trăm năm cũng đủ để người dân nơi đây có thể tự hào về một mái đình rêu phong cổ kính. Đình thần Thạnh Hòa gắn liền từ buổi đầu khai phá, cho đến bước phát triển như hôm nay của đất và người Thốt Nốt. Việc đình Thạnh Hòa được công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp thành phố như là sự ghi nhận, tô dày truyền thống của ngôi đình làng này. Hằng ngày, nhiều bà con trong vùng vẫn đến đình cúng bái, nguyện cầu cho làng xóm an vui, gia đình sung túc. Giữa không gian náo nhiệt của chợ thành, một nén hương thơm cũng là lòng thành tưởng nhớ đến công lao của bao thế hệ tiền nhân đã "đầu sóng ngọn gió" cho cháu con hôm nay được vui hưởng cây lành trái ngọt.

Bài, ảnh: Đặng Duy Khôi

Chia sẻ bài viết