15/11/2019 - 12:44

Ra mắt bệnh viện cây ăn quả 

Bác sĩ cây trồng giới thiệu về bệnh viện cây ăn quả với bà con nông dân. Ảnh: Bình Nguyên

(CTO)-Với sự hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời, đến năm 2021, ĐBSCL sẽ có 12 bệnh viện cây trồng. Bà con nông dân cũng được tư vấn "khám chữa bệnh” cho cây trồng qua ứng dụng di động.

Ngày 15-11, tại Tiền Giang, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả. Tại sự kiện, lãnh đạo hai bên cũng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống bệnh viện cây ăn quả (BVCAQ) bao gồm 1 BV Trung tâm và 11 BV khu vực đến năm 2021 để trực tiếp hỗ trợ người làm vườn tại miền Nam và miền Trung, đồng thời tư vấn cho người làm vườn cả nước qua ứng dụng di động được thiết kế riêng.  

Lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống bệnh viện cây ăn quả. Ảnh: Bình Nguyên

Hệ thống BVCAQ có 57 bác sĩ cây trồng, bao gồm các chuyên gia SOFRI và lực lượng kỹ sư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời được SOFRI đào tạo, sẽ thực hiện các hoạt động chuyển giao kiến thức canh tác và dinh dưỡng, tư vấn kịp thời cho người làm vườn khi phát sinh sâu, bệnh trên cây ăn quả. Các bác sĩ của BV sau khi xét nghiệm lâm sàng và đề ra phác đồ điều trị tối ưu sẽ hướng dẫn chi tiết cho người làm vườn.

Bác sĩ cây trồng hướng dẫn bà con nông dân sử dụng ứng dụng di động “Bệnh viện cây ăn quả”. Ảnh: Bình Nguyên

Các BVCAQ thiết lập nhiều kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin như qua điện thoại, gặp gỡ trực tiếp, qua các cơ quan báo chí và đặc biệt là qua ứng dụng di động “Bệnh viện cây ăn quả” chạy trên 2 nền tảng iOS và Android. Ứng dụng bao gồm các thông tin hữu ích về các giống cây ăn quả thông dụng, tư vấn chi tiết cho các câu hỏi của người làm vườn, thông tin về tất cả các BV trong hệ thống và nhiều tiện ích khác.

Bà con nông dân tham quan bệnh viện cây ăn quả. Ảnh: Bình Nguyên

Cũng trong lễ ra mắt, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ cây ăn quả bằng thiết bị bay không người lái (drone). Hoạt động này nằm trong chiến lược của Lộc Trời triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự hỗ trợ của drone giúp thuốc được phun đều và mịn, không lãng phí thuốc, tiết kiệm thời gian và tài nguyên nước, tăng năng suất lao động và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người làm vườn do không cần trực tiếp phun thuốc.

Bà con nông dân xem trình diễn phun thuốc bảo vệ cây ăn quả bằng thiết bị bay không người lái. Ảnh: Bình Nguyên

Bình Nguyên (thực hiện)

Chia sẻ bài viết