11/04/2020 - 06:17

Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: chống dịch và vực dậy nhanh nền kinh tế 

Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giải ngân đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Dự trực tuyến tại điểm cầu TP Cần Thơ có các đồng chí: Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.

Nỗ lực vượt khó

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VPCP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nghị trực tuyến lần này là hội nghị 4 trong 1, hay còn gọi là tất cả trong 1 nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng đại dịch COVID-19, thể hiện tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn tất cả người dân đã đồng hành chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất lợi do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh. Đồng thời, cần thấy được sự cố gắng vượt qua khó khăn, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong việc giữ vững, không để bị âm tăng trưởng kinh tế; cùng những lo toan cho người dân cả nước.

Các chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được Bộ Tài chính nêu lên tại Hội nghị. Theo đó, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sẽ có khoảng 740.000 doanh nghiệp, tương ứng với 98% số doanh nghiệp đang hoạt động, thuộc diện giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vật tư, thiết bị y tế; điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi cho doanh nghiệp lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm sản, thủy sản… sẽ giúp nhóm đối tượng này giảm nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 trên 6.000 tỉ đồng. Bộ cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới để quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong trường hợp triển khai vào tháng 7-2020, dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp - tương đương 93% tổng số doanh nghiệp cả nước - được hưởng lợi, giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước khoảng 7,8 ngàn tỉ đồng. Đồng thời, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân với mức điều chỉnh thu nhập người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng; cho mỗi người phụ thuộc từ mức 3,6 triệu đồng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Ước tính việc điều chỉnh này sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng không phát sinh thuế thu nhập cá nhân.

Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ tham dự hội nghị trực tuyến.

Biến nguy cơ thành thời cơ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang được đánh giá đã tổ chức phòng chống, dập dịch có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, các tác động và ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam trong trường hợp dịch chưa kết thúc trên thế giới. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% như đã đề ra. Bộ đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với 3 nhóm giải pháp cùng 33 nhiệm vụ cụ thể.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Thép Tây Đô, Khu công nghiệp Trà Nóc 1.  Ảnh: MINH HUYỀN

Ở lĩnh vực đầu tư công, do dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thể tổ chức họp HĐND nên thủ tục đầu tư một số dự án chưa hoàn thành, chưa thể giao vốn triển khai được. Nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, gần 700.000 tỉ đồng. Do đó, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Chính phủ giao bổ sung vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15-5-2020. Đồng thời, xem xét, quyết định đầu tư và bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để đầu tư một số dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đối với khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL… Bố trí 6.700 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho Bộ Y tế bảo đảm công tác phòng chống dịch…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục giãn khoảng cách một cách nghiêm túc; song không ngăn sông, cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị; sản xuất, thực hiện duy trì khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 15-4 tới đây, Chính phủ sẽ có quyết sách mới nếu tình hình thay đổi nhưng trong lúc này phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Thứ hai, đối với thiệt hại do dịch bệnh gây ra, chúng ta cùng chung sức đồng lòng phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao để khắc phục, vượt qua. “Tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, quý I tăng trưởng kinh tế mức 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh quốc tế nhưng còn quá thấp, nên chúng ta phải quyết tâm sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ; trong chỉ đạo cụ thể, trong tái cơ cấu nền kinh tế, có giải pháp mạnh mẽ đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng xí nghiệp. Phải tìm thị trường mới, thay đổi cách làm, phải xử lý nghiêm tình trạng vô trách nhiệm từ tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh cho đến đầu tư công. Chú ý đẩy mạnh sản xuất kể cả công nghiệp, dịch vụ và lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với xuất khẩu, chú trọng hơn nữa thị trường trong nước 100 triệu dân. Bên cạnh duy trì sản xuất và lưu thông thuận lợi, chống đầu cơ, tăng giá…

Thủ tướng yêu cầu truyền thông phải đổi mới hơn nữa, tạo ra động lực mới từ truyền thông để tạo sự nhất trí trong toàn quân, toàn dân, toàn quốc. Trên tinh thần như vậy, Thủ tướng tin vào một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn mới sắp tới, sẽ phát triển đi lên đảm bảo sản xuất và đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép: đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản đưa nền kinh tế phục hồi, vực dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong kỳ họp tới. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phân công trả lời, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị, tạo thuận lợi cho các địa phương, các ngành triển khai thực hiện.

Sản xuất nước rửa tay khô tại Công ty TNHH Dược phẩm Phương Nam. Ảnh: MINH HUYỀN

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết