19/04/2020 - 19:23

Quyết tâm, quyết liệt, không lơ là, chủ quan!

Đó là những từ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp Chính phủ, họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

Nhờ tinh thần đó mà tính đến chiều 19-4-2020, sau hơn 80 giờ, toàn quốc không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào. Hiện tại, trong số 268 bệnh nhân COVID-19 đã có 201 ca khỏi bệnh, còn 67 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị và chưa xảy ra ca tử vong nào. Những con số ấy là kết quả đáng mừng trong sự quyết tâm, quyết liệt “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam, được thế giới ca ngợi, đánh giá cao.

Đó là kết quả của sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng đánh giá cao và biểu dương tinh thần đoàn kết, quyết tâm và hiệu quả phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là của lực lượng y tế, quân đội, công an, ngoại giao, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải và các địa phương trên toàn quốc. Nhờ đó đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục lây lan, số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng cao từng ngày. Còn trong nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và bùng phát trên diện rộng. Có những trường hợp bệnh nhân được điều trị xong lại phát hiện dương tính trở lại với SARS-CoV-2, như trường hợp bệnh nhân số 188, bệnh nhân số 22…

Hiện tại, Chính phủ đã phân chia các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ. Nhóm có nguy cơ cao (gồm 12 các tỉnh, thành phố) cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30 tháng 4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Nhóm địa phương có nguy cơ (gồm 16 tỉnh, thành phố, trong đó có TP Cần Thơ), cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22 tháng 4 và sẽ điều chỉnh tùy diễn biến dịch bệnh. Còn nhóm có nguy cơ thấp (35 tỉnh), cần tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Và cũng cần hiểu rằng, các nhóm nguy cơ này có thể thay đổi theo thực tế diễn biến dịch bệnh và công tác phòng chống của mỗi địa phương.

Chỉ đạo của Chính phủ là vậy, nhưng thực tế trong những ngày qua có những địa phương, đơn vị còn lơ là, chủ quan. Điều dễ nhận thấy là nhiều hàng quán mở trở lại, lưu lượng người giao thông ngoài đường đông hơn, tụ tập đông người…

Dẫu biết rằng chủ trương cách ly toàn xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất kinh doanh, đến cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người lao động làm công ăn lương… Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, Chính phủ đã có chính sách trợ cấp cho những người nghèo mất thu nhập để tạm ổn định cuộc sống trong thời gian toàn quốc căng mình chống dịch.

Song song đó, với tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay chung sức hỗ trợ người nghèo vượt qua lúc khó khăn. Hàng loạt cây ATM gạo xuất hiện thời gian gần đây và sẽ còn tiếp tục xuất hiện là một minh chứng.

Vấn đề là mỗi chúng ta, những chiến sĩ trên mặt trận chống COVID-19, phải tiếp tục quyết tâm, đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch. Bởi lẽ, như trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 17-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định dịch COVID-19 chắc chắn còn kéo dài, chỉ khi có thuốc đặc trị, có vắc-xin thì mới hết dịch. Và Việt Nam ta cũng không thể đóng kín cửa một mình, mà phải giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, với tinh thần toàn dân chống dịch chúng ta đã đạt được kết quả tốt, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Thời gian tới, mỗi chúng ta phát huy hơn nữa tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi cán bộ, người dân là chiến sĩ, cùng chung tay giành thắng lợi trong cuộc chiến chống giặc COVID-19!

Song Liên

Chia sẻ bài viết