04/07/2016 - 21:17

Quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế cao những tháng cuối năm

Sáu tháng đầu năm 2016, do gặp phải nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa đạt như kỳ vọng khi tốc độ tăng GDP ước tăng 5,52%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 6,32%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế Quốc hội đề ra là 6,7%, trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt được mức tăng cao 7,6%. Tại Hội nghị trực tuyến thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi cần có sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

* Có thể thực hiện đạt mục tiêu

Năm 2015, nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn phục hồi khá rõ nét, GDP tăng nhanh từng quý và quý IV-2015 tăng tới 7,01%. Nhưng bước sang 6 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi khó lường, tăng GDP có dấu hiệu chững lại. Sự sụt giảm tốc độ tăng tưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%). Công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng phục hồi nhanh nhưng kết quả cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ 2015. Tăng tưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra, nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép, do vậy cần phải nỗ lực lớn để cải thiện tình hình trên.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nông dân sản xuất lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL không chỉ gặp khó do hạn mặn mà bà con còn gặp khó trong thu hoạch lúa khi gặp phải các trận mưa liên tục. Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu 2016 tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP quý II-2016 của nước ta ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I, nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 6,32%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 2,22%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, trong khi cùng kỳ tăng 9,36%; riêng khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng 6,35% (cùng kỳ năm ngoái tăng 5,86%).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, không chỉ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu mà sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và bị giảm, nhất là ngành khai thác khoáng sản, qua đó làm cho tăng trưởng kinh tế của nước ta bị sụt giảm so cùng kỳ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết thêm: Giá dầu thô bị giảm đã ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu và nước ta cũng phải giảm lượng khai thác, với mức giảm khoảng nửa triệu tấn. Cùng với đó là tình hình hạn hán, mặn xâm nhập xảy ra với mức độ nghiêm trọng trong 100 năm qua tại ĐBSCL và nhiều địa phương trong nước gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là làm sản lượng lúa giảm hơn 1,34 triệu tấn; cá chết hàng loạt tại biển miền Trung cũng tác động tiêu cực đến các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản...

6 tháng cuối năm 2016, dù dự đoán còn nhiều khó khăn nhưng khả năng nước ta vẫn có thể thúc đẩy kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng cao để có thể đạt mục tiêu tăng GDP của cả năm ở mức 6,7%, nhất là trong điều kiện có sự xuất hiện của nhiều yếu tố tích cực mới. Cụ thể như, tình hình hạn hán tại nhiều địa phương đã không còn, việc mặn xâm nhập cũng giảm, vấn đề cá chết tại miền Trung cũng được xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, đặc biệt đầu ra nhiều loại nông sản và sản phẩm xuất khẩu của nước ta cũng có dấu hiệu khởi sắc... Qua tổng hợp báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao tạo nhiều triển vọng cho phát triển, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao. Sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao ở khu vực dịch vụ... cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn những tháng cuối năm. Tăng tưởng kinh tế tại một số địa phương đạt khá, nhất là trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh đạt 7,47% (cùng kỳ tăng 7,22%) trong 6 tháng đầu năm và dự kiến hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2016 sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Việc nước ta quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng cũng mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thời gian tới.

* Vào cuộc quyết liệt

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành và địa phương cần có sự nỗ lực rất lớn, với sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, kịp thời khắc phục các hạn chế, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần chú ý tập trung vào các lĩnh vực còn có nhiều dư địa phát triển như: các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, du lịch, phát triển xuất khẩu... Bên cạnh đó, nước ta cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng các kết cấu hạ tầng gắn tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu sản xuất. Cần rà soát quy hoạch và tổ chức lại sản xuất trong từng ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương cho phù hợp trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng tăng và trước yêu cầu mới về hội nhập quốc tế.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Hiện hạn hán đã qua, tình trạng mặn xâm nhập cũng giảm và thị trường cũng có nhiều khởi sắc... tạo thuận lợi cho phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp để có đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Các địa phương cần tận dụng mọi cơ hội để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Mạnh dạn phát triển sản xuất đối với vụ thu đông, nhất là lúa, tôm nước lợ và các loại cây trồng vật nuôi đang có đầu ra tốt. Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, tình hình thế giới trong 6 tháng cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp và khó cho xuất khẩu của nước ta. Do vậy, cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chúng ta cần kịp thời khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất gắn với đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cần phải hết sức quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn bởi tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt khoảng 618,2 nghìn tỉ đồng, bằng 32,95 GDP và tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ giải ngân một số nguồn vốn còn chậm. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhìn nhận, việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ODA đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và phải sử dụng một nguồn vốn đối ứng rất lớn, nhưng tốc độ giải ngân còn kém. Để tận dụng nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, chúng ta cần sử dụng vốn ODA linh hoạt, hiệu quả hơn. Mặt khác, thời gian qua chúng ta đã nói nhiều đến hội nhập quốc tế nhưng vào cuộc chưa mạnh và chưa tận dụng hết các cơ hội...

Trong những tháng còn lại của năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chú ý khai thác tiềm năng tăng trưởng bằng các giải pháp như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xuất khẩu…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết