06/04/2021 - 08:58

Quyết liệt đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 

Ngày 22-3-2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành Quyết định số 888/QÐ-TCQLTT về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 888). Theo kế hoạch, năm 2021, phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước không kinh doanh, bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Nhân viên hãng giày thể thao Nike hướng dẫn cho các lực lượng chức năng, QLTT tại TP Cần Thơ về cách phân biệt sản phẩm thật, giả của hãng.

Thời gian gần đây, lực lượng QLTT tại một số tỉnh, thành phố liên tiếp triệt phá một loạt cơ sở sản xuất, kho hàng giả mạo nhãn hiệu lớn trên thế giới. Qua đó đã thu giữ hàng trăm sản phẩm thời trang từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas,… Qua khai thác, các cơ sở kinh doanh cho biết, hàng hóa được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (livestream).

Phải nhìn nhận rằng, hàng giả đội lốt các thương hiệu đắt tiền đang được mua bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt thông qua hình thức bán hàng livestream trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook), khiến cho người tiêu dùng rơi vào ma trận thật, giả. Tem mác hàng giả được nhái tinh vi đến mức có đủ bộ theo mẫu, từ thông tin kích cỡ, chất liệu đến các vị trí gắn mác đều “chuẩn” với  hàng thật. Nhờ vậy, các cơ sở kinh doanh đã “hô biến” những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thành các thương hiệu đắt đỏ. Thậm chí, để tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng, ở mỗi sản phẩm đều đi kèm hóa đơn xuất hàng từ hãng, thậm chí có cả mã code (kiểm tra đúng được thông tin hãng). Bên cạnh đó, vỏ hộp, bao bì sản phẩm được đóng gói rất sắc sảo.

Mặc dù lực lượng chức năng đã chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Theo Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), hàng giả, hàng nhái có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, hàng hóa có mặt tại khắp nơi, từ nông thôn đến các thành phố lớn, thậm chí còn có cả tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như: quần áo, giày dép, túi, đồng hồ, mỹ phẩm...

Theo Cục QLTT TP Cần Thơ, tại TP Cần Thơ, tình hình vi phạm về buôn lậu, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố phần lớn có quy mô nhỏ, không có diễn biến phức tạp. Năm 2020, đã phát hiện và xử lý 527 vụ gian lận thương mại với các hành vi như: Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và sai về thủ tục hành chính, nộp tờ khai hải quan khi chưa có hàng hóa xuất khẩu tập kết tại địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan, khai sai so với thực tế về số lượng, trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam... Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, trong năm 2020 các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 90 vụ, tăng 309% số vụ so với cùng kỳ 2019. Hàng hóa vi phạm bao gồn: thực phẩm, quần, áo, giày, dép, túi xách, ví... Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả diễn ra ở quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác nhằm đưa ra thị trường.

Theo Quyết định 888, trong giai đoạn từ ngày 1-4-2021 đến hết tháng 12-2025, lực lượng QLTT sẽ triển khai mạnh công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT bao gồm cả kinh doanh thương mại truyền thống và trên nền tảng số (online). Mục tiêu của kế hoạch là vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống, cũng như trong thương mại điện tử; các cơ quan, tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm, làng nghề, hội, hiệp hội ngành nghề… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ðồng thời gắn trách nhiệm quản lý theo địa bàn của công chức, đơn vị QLTT địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị QLTT.

Theo kế hoạch, năm 2021, trước mắt phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT. 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang thương mại điện tử lớn như: FPT Shop, Ðiện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT và không tái phạm…

Ðây được xem là một kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm. Lãnh đạo Cục QLTT cũng đã chỉ đạo Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp đối với các cơ sở kinh doanh, sàn thương mại điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị QLTT chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đại diện chủ thể quyền, các sàn thương mại điện tử cung cấp đường dây nóng, đầu mối liên hệ để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh phân biệt hàng thật, hàng giả, chủ động đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT, chủ động tố giác các cơ sở vi phạm.

Hiện nay, ngoài việc làm giả sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bị làm giả, tập trung chủ yếu là các mặt hàng đang được ưa chuộng trên thị trường. Với thủ đoạn là nhập hàng kém chất lượng từ nước ngoài bóc nhãn xuất xứ để ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam... Việc làm giả này không chỉ thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của hàng Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết