11/01/2008 - 09:07

Quyết định tối hậu là cuộc sống

Chúng ta đã bước sang năm mới 2008, cũng là tròn một năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Dịp này, bài viết đăng trên Báo Cần Thơ số đầu năm đã nêu lên ba vấn đề “nóng” của năm mới và xa hơn. Xin nhắc lại, đó là nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và sự phân hóa giàu - nghèo đang là trở lực trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và cũng là những yếu kém cần mau chóng khắc phục để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Bài báo này xin nói thêm một số vấn đề khác cũng rất bức xúc có tác động quan trọng đến tốc độ nhanh hay chậm của sự phát triển đất nước ta.

Đó là cải cách nền hành chính nhà nước để mọi chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chính phủ được trên dưới lĩnh hội, quán triệt thống nhất, nhanh chóng đưa vào cuộc sống, loại trừ các nhân tố tản quyền, cục bộ, bản vị vì lợi ích địa phương, ngành mình gây thiệt hại cho lợi ích toàn cục, vĩ mô.

Gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (TP Cần Thơ).
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Năm 2007 được Chính phủ xem là năm đột phá về cải cách hành chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng nhiệm vụ này vẫn chưa có đột phá gì đáng kể. Cải cách hành chính vẫn diễn ra chậm chạp; nhiều văn bản, giấy tờ thuộc phạm trù “xin - cho” có bớt, nhưng lại phát sinh nhiều thủ tục, các loại phí theo kiểu “lệ làng” hoặc trên bảo dưới không nghe vẫn không giảm. Lãnh đạo thì kêu gọi nhân dân và các cấp ngành tham gia giám sát, kiểm tra để các thủ tục hành chính không còn hành dân nữa. Nhưng sự quyết liệt của cấp trên trong nhiều trường hợp vẫn chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, dù là thống thiết đi nữa. Tôi lấy làm lạ là vì sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở của dân mà hết giấy trắng, giấy xanh đến giấy đỏ, giấy hồng hành dân quá xá kể. Và rồi dân kêu ca, góp ý kiến cũng chẳng ai nghe và cũng không đi tới đâu?

Tôi hoàn toàn tán thành phân cấp mạnh cho bên dưới, nhưng phải đôn đốc, kiểm tra quyết liệt, chứ buông trôi nhiệm vụ này thì bên dưới làm trật đường rầy liền. Thí dụ như chuyện đất cát ở Đồ Sơn, ở Phú Quốc, chuyện tái định cư ở Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh,v.v... Hay như chuyện sáp nhập các bộ và cơ quan ngang bộ, ờ thì có giảm đầu mối bộ, nhưng thử hỏi có bao nhiêu cục, vụ đẻ ra và thân phận số cán bộ, công chức ở các bộ ngành được sắp xếp ấy và ở cấp dưới nữa ra sao, trong khi công việc thường ngày vẫn phải làm (trong tâm trạng bất yên), liệu Thủ tướng và cấp trên có thấu cho không!? Hay như việc về hưu của công chức khi đến tuổi, thì có cơ quan làm quyết liệt, nhưng cũng có nơi không ít chục con người quá tuổi vẫn điềm nhiên tọa thị. Thế thì sao gọi là “phải thực hiện nghiêm các quyết định của Trung ương từ trên xuống dưới”!

Có người cho rằng nền hành chính quốc gia là một tổ chức rất khoa học; cải cách nó phải làm rất bài bản. Trước tiên là rà soát xem Nhà nước phải làm những việc gì nhất định không giao cho ai, còn những việc khác có thể để xã hội làm có khi lại tốt hơn. Việc gì trên làm,việc gì cấp dưới làm, tránh tình trạng dưới làm không được thì đẩy lên trên, thậm chí đến tận Thủ tướng. Từ sự phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng phải đào tạo và phân công đội ngũ công chức phù hợp, chứ không phải anh có chân trong cấp ủy thì anh có thể làm lãnh đạo mọi ngành đòi hỏi chuyên môn sâu như hiện nay. Tôi có cảm nghĩ rằng công tác tổ chức cán bộ của ta còn nặng về cơ cấu vùng miền, chứ chưa chủ yếu dựa vào đức độ và tài năng thật sự được nhân dân tín nhiệm và quý mến. Tôi nói điều này sau khi đã loại bỏ hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” ra khỏi công tác về con người rất nhạy cảm hiện nay.

Về việc nước ta đã là thành viên WTO, có thể dùng hình ảnh con thuyền Việt Nam đã ra biển lớn, cơ hội nhiều mà thách thức cũng nặng nề. Vấn đề là năng lực và nghệ thuật dự báo, chèo lái nó tìm được nhiều luồng cá to mà không vướng đá ngầm, tránh được phong ba, bão táp. Nói thẳng ra là nếu năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và từng ngành vẫn yếu kém, thì sự thua thiệt là điều có thể thấy trước. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề sống còn của từng doanh nghiệp, từng địa phương cũng như toàn bộ nền kinh tế. Lựng bựng, trở bộ chậm chạp, hoặc ai đó còn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước (mà tư duy này đến nay vẫn lởn vởn trong đầu không ít các nhà doanh nghiệp, thậm chí ở tầm quản lý vĩ mô) mà không tranh thủ thời gian tự mình bứt lên thì doanh nghiệp đó, ngành đó, địa phương đó không có triển vọng gì đâu. Cuộc cạnh tranh ngay ở trong nước, nhất là với đối tác nước ngoài hết sức quyết liệt từng ngày, từng giờ, làm sao trong cùng một sản phẩm ta tiêu thụ nguyên liệu, công lao động, thời gian ít hơn, các dịch vụ đưa đến người tiêu dùng nhanh hơn, thì mới làm ăn có lời, còn ngược lại thì nguy cơ thất bại là cầm chắc. Phải nhìn rõ bức tranh chân thật của doanh nghiệp mình, không mơ hồ ảo tưởng gì cả.

Bấy nay, ai cũng nói phải công khai, minh bạch, nhưng liệu chúng ta có đủ sức tin vào con số của ngành thống kê, bởi đàng sau những báo cáo rổn rảng thành tích của tập đoàn này, tập đoàn nọ, có ai nắm được thực chất tỷ suất lợi nhuận của nó ra sao, Nhà nước đã bơm cho nó bao nhiêu tiền, vì nó là con cưng (phải bao bọc thôi)! Đã đến lúc mỗi công dân phải nhận thức mình là người chủ doanh nghiệp nhà nước, vì mình đóng thuế nuôi Nhà nước, nên có quyền đòi kiểm tra xem doanh nghiệp của mình làm ăn thế nào. Đã nói hội nhập vào nền kinh tế thế giới, cùng chơi một sân chung toàn cầu, thì hằng năm phải báo cáo tài chính minh bạch. Tiếc thay, đến giờ này những người làm báo cũng không dễ gì tiếp cận được với những thông tin trung thực đâu (vẫn còn là bí mật đấy).

Hỏi rằng kinh tế nước ta năm qua tuy tăng trưởng cao, nhưng có lạm phát không và có phải do ta gia nhập WTO là một nguyên nhân gây ra lạm phát, vì chịu nhiều tác động của thị trường thế giới? Rõ ràng vật giá tăng cao làm cho một bộ phận dân cư, nhất là dân cư các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, không ít người làm công ăn lương, người về hưu, nông dân thêm khó khăn, vì mức tăng thu nhập danh nghĩa thấp hơn mức tăng giá cả. Tất nhiên chất lượng cuộc sống giảm sút là sự thật. Theo tôi, đó cũng là một thách thức đặt ra cho Chính phủ trong việc ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Nhìn một cách khách quan, có phải Việt Nam vẫn loay hoay làm gia công cho các nước khác? Nếu không nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, thì hội nhập chỉ làm cho sự chênh lệch giàu - nghèo càng tăng mà thôi. Vâng, số đông dân cư nước ta vẫn đứng ngoài rìa của hội nhập. Nhiều chuyên gia nhận xét: chỉ có đẩy mạnh cải cách trong nước, nhất là cải cách thể chế, ra sức chống quan liêu, tham nhũng, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi, còn gọi là kết cấu phi vật chất thì mới có thể tận dụng được cơ hội hội nhập. Ngược lại, thì hệ quả nhiều mặt sẽ khó mà lường trước được.

Một năm gia nhập WTO chưa đủ dữ kiện để đánh giá sâu sắc mọi tác động của sự kiện này. Nhưng năm 2007 qua đi, kinh tế tăng trưởng cao; đầu tư trong nước và nước ngoài, xuất khẩu tăng; mức sống của nhân dân được cải thiện hơn; xã hội ổn định; thế giới nhìn ta bằng con mắt tích cực và thiện chí; lại được là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đó là thắng lợi bước đầu. Chặng đường hội nhập còn dài, điều cốt lõi là phải thực sự cầu thị, không chủ quan thỏa mãn; tích cực học hỏi các nước đi trước thành công, ra sức kiện toàn những gì còn thiếu và yếu, tự tin vững bước tiến lên. Điều đặc biệt quan trọng là trong khi thực hiện cam kết của WTO, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam phải giữ cho được phương châm thực hiện hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái trong lành, vì mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Thời gian và cuộc sống sẽ cho những quyết định cao nhất. Sức cạnh tranh của thời mở cửa đang thôi thúc, giục giã chúng ta hãy nhanh chân lên. Nếu không sẽ quá muộn.

NGUYỄN KIẾN PHƯỚC

Chia sẻ bài viết