21/01/2023 - 10:37

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo động lực để thành phố phát triển 

Năm 2022, hệ thống chính trị và nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ðồng thời, là năm đầu thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ”; là năm “tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thành phố”.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động của HÐND thành phố tiếp tục có nhiều đổi mới, kịp thời thể chế hóa, quyết định chủ trương, chính sách làm cơ sở cho các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) thành phố.

Tạo động lực phát triển

Năm 2022, HÐND thành phố đã kịp thời thể chế, ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền, làm cơ sở cho UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương điều hành, thực hiện đề án, dự án cụ thể, chương trình trọng điểm và kế hoạch triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy. Trong năm, ngoài 2 kỳ họp thường lệ, HÐND thành phố còn tổ chức 3 kỳ họp chuyên đề, thông qua 61 nghị quyết. Ðây là một trong những năm HÐND thành phố tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề nhất, bởi giai đoạn này thành phố có nhiều cơ chế, chính sách cần được HÐND thành phố thể chế, quyết định theo quy định của pháp luật.

Năm qua, bên cạnh các nghị quyết xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, HÐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, như: giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; điều chuyển vốn đầu tư từ dự án chậm tiến độ sang các dự án có nhu cầu vốn; phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án (Thư viện thành phố, kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc, mua sắm thiết bị cho 9 trung tâm y tế cấp huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, đường tỉnh 918, đoạn từ đường tỉnh 923 đến cầu Lộ Bức...). Ðồng thời, quyết định phân bổ vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án thành phần 2 - Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Trong bối cảnh nhân dân thành phố còn chịu nhiều tác động bất lợi của dịch COVID-19, HÐND thành phố đã thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố; mức trợ giúp xã hội và đối tượng trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố… nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thường trực HÐND thành phố cũng đã giải quyết nhiều công việc cấp bách giữa các kỳ họp thường lệ, tạo thuận lợi cho UBND thành phố chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu theo nghị quyết của Thành ủy, HÐND thành phố đề ra. Trong đó, Thường trực HÐND thành phố thống nhất sử dụng 500 tỉ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để phân bổ kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thống nhất chủ trương hỗ trợ học bổng đại học cho sinh viên Campuchia học tập tại TP Cần Thơ. Ðồng thời, cho ý kiến đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; việc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; bổ sung tiêu chuẩn, định mức ô tô chuyên dùng; ban hành quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn thành phố; việc điều chỉnh kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2022 của Sở Giáo dục và Ðào tạo về cho UBND quận, huyện...

Ông Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố phát biểu tại buổi giám sát của Thường trực HÐND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN 8 tháng đầu năm 2022 tại UBND thành phố. Ảnh: Thanh Thư

Nâng cao chất lượng giám sát

Hoạt động giám sát được HÐND thành phố chú trọng tổ chức thực hiện, thông qua nhiều hình thức: làm việc trực tiếp, xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị được giám sát; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn… Ðặc biệt, trong năm, Thường trực HÐND thành phố tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp của HÐND về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, các nguồn vốn ngân sách địa phương và tình hình triển khai, tiến độ thực hiện các dự án được HÐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2020. Qua đó, Chủ tịch UBND thành phố đã giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu, thực hiện các ý kiến kết luận của Thường trực HÐND thành phố tại phiên giải trình.

Thường trực HÐND thành phố còn tổ chức 3 đợt giám sát, khảo sát và làm việc với 20 lượt cơ quan, đơn vị, về: công tác triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của HÐND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH, QP-AN năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; công tác triển khai, thực hiện nghị quyết của HÐND thành phố về danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2022; về tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN 8 tháng năm 2022 của UBND thành phố và UBND các quận, huyện; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri gửi tới HÐND thành phố trước và sau các kỳ họp… Ðồng thời, làm việc với chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện dự án cầu Trần Hoàng Na, dự án cải tạo nâng cấp hồ Búng Xáng và rạch phía Nam thuộc dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ…

Các Ban của HÐND thành phố đã thực hiện 13 đợt giám sát, làm việc với 117 cơ quan, đơn vị. Trọng tâm là giám sát, khảo sát về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng viên chức giai đoạn 2016-2021; công tác phân bổ, sử dụng và quản lý nguồn vốn sự nghiệp giáo dục có tính chất đầu tư. Về công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh và dịch vụ bất động sản trên địa bàn thành phố… Ðồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của HÐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị theo quy hoạch chung của thành phố; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an…

Hoạt động giám sát của Thường trực HÐND, các Ban của HÐND thành phố nghiêm túc, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Thường trực HÐND, các Ban của HÐND thành phố còn giám sát các vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm. Qua giám sát, kịp thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của thành phố.

***

Năm 2022, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời và thường xuyên của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; sự phối hợp chặt chẽ của UBND thành phố, Ủy ban MTTQVN thành phố và sự đồng thuận của nhân dân, HÐND thành phố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Các nghị quyết HÐND thành phố trong việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương ngày càng hiệu quả, tính khả thi cao. Từ đó, UBND thành phố thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu KT-XH, QP-AN theo nghị quyết HÐND thành phố đề ra. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,64%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao. Ðó là động lực quan trọng để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

THỤY KHUÊ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết