06/04/2021 - 08:10

Quyền thăm nuôi con bị cản trở, sau ly hôn 

Vụ việc ly hôn giữa ông Phan Văn Kh (ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều) và bà Trần Thị Thanh H (ở phường An Thới, quận Bình Thủy) đã được Tòa án Nhân dân (TAND) quận Ninh Kiều xét xử sơ thẩm và TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm bằng bản án dân sự phúc thẩm số 21/2018/HNGÐ-PT. Theo đó, Hội đồng xét xử - TAND thành phố đã đồng ý giao con chung là cháu K cho bà H trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Kh có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi con được 18 tuổi; đồng thời, ông cũng được quyền thăm nom, chăm sóc con chung.​ Tuy nhiên, bà H lại gây khó khăn cho ông Kh trong việc thăm nom, chăm sóc con.

Ông Phan Văn Kh (bên trái) trình bày bức xúc khi không được thăm nom con với chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy.

Khi ly hôn, thương con còn nhỏ và nghĩ con gái sống với mẹ sẽ thuận tiện hơn nên ông Kh chấp thuận để bà H có quyền nuôi dưỡng cháu K. Ông Kh cho biết: “Từ khi xét xử cho tới nay, tôi đã thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng bà H lại ngăn cản không cho tôi được thăm nom, chăm sóc con chung và không cho cháu về thăm gia đình nhà nội. Không được gặp con tại nhà ngoại, tôi đến trường con đang học để gặp mặt. Biết chuyện này, bà H cho con tôi chuyển sang học ở trường khác”.

Quá bức xúc, ông Kh có đơn khởi kiện tại TAND quận Bình Thủy, yêu cầu giải quyết tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bà H khẳng định không có việc bà cản trở ông Kh thăm con. Theo nhận định của Tòa án, đối với điều kiện nuôi con, bà H vẫn đi làm, có thu nhập từ lương và thu nhập khác rất ổn định. Ðiều này, chứng minh cháu K trong khoảng thời gian qua được đi học, chăm sóc tốt về thể chất và tinh thần… Từ cơ sở đó, theo Bản án dân sự số 07/2020/HNGÐ-PT, ngày 21-4-2020 của TAND TP Cần Thơ, đã tuyên xử giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thủy đã giải quyết trước đó; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông Kh. Bà H được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng con chung; đồng thời, dành quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung cho ông Kh, không ai được ngăn cản.  

Khi Bản án dân sự số 07/2020/HNGÐ-PT có hiệu lực, ông Kh có đơn yêu cầu thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy đã ra quyết định thi hành. Bà Trần Thị Gương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy, cho biết: “Khi ông Kh có đơn yêu cầu thi hành án, chúng tôi đã ra quyết định thi hành án và đã tống đạt quyết định cho bà H theo quy định. Thế nhưng, bà H và gia đình không hợp tác. Nhiều lần chấp hành viên triệu tập làm việc nhưng bà H không chấp hành”.

Trước vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành bản án trên, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan bàn giải pháp tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Viết Xuân, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ, Cục đã chỉ đạo chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy phối hợp với địa phương tiếp tục vận động bà H và gia đình tạo điều kiện cho ông Kh được thăm con; có văn bản thông báo cho bà H biết đối với yêu cầu thăm con của ông Kh. Trường hợp nếu bà H không đến làm việc theo giấy triệu tập thì ban hành quyết định cưỡng chế theo Ðiều 118 Luật Thi hành án dân sự và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 82/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã...

Theo ông Ngô Thành Thuận chuyên gia tư vấn tâm lý Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, hành vi ngăn cản cha hoặc mẹ thăm nom con cái không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách. Sau khi bố mẹ ly hôn, trẻ cần được đảm bảo quyền lợi được gặp gỡ, tiếp xúc với cả cha và mẹ. Người lớn phải vì mục đích chung là tương lai con trẻ, đặc biệt, người nuôi dưỡng trẻ phải tách biệt hai vấn đề người lớn với nhau và người lớn với con…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết