|
Một buổi lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức. |
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) để sử dụng lâu dài hoặc có thời hạn; đồng thời, bổ sung quy định QSDĐ là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ (Điều 58 Dự thảo).
Tại khoản 2, Điều 58 Dự thảo quy định: "Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn...". Ông Huỳnh Văn Hiếu Trưởng phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, đặt vấn đề: "Hộ gia đình" có được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không? Theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Đất đai năm 2003 thì: "Hộ gia đình, cá nhân trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận QSDĐ, nhận chuyển QSDĐ"; và theo định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai (Nghị quyết 19 ngày 31-10-2012 của BCH.TW (lần thứ sáu, khóa XI) có ghi nhận: "...tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất". Vì vậy, theo ông Huỳnh Văn Hiếu, đề nghị bổ sung "hộ gia đình" vào khoản 2, Điều 58 Dự thảo, cụ thể: "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn...". Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề nghị thay cụm từ "được chuyển QSDĐ
" thành "thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật".
Qua các Hội nghị lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khoản 3, Điều 58 Dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Tại khoản 3, Điều 58 Dự thảo, quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội". Theo ông Dương Việt Trung, nguyên ĐBQH, đất đai căn bản là do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định pháp luật. Nhưng ngược dòng lịch sử, cha ông ta cũng có người đi vào rừng sâu, nước độc khai hoang, lập ấp về sau thừa kế cho con, cháu
và cũng không ít người dùng tiền hoặc vật chất khác để đổi thành quả lao động trên mặt đất của người khác. Nói cách nào đó, họ cũng có phần nào quyền sở hữu trên mặt đất đó. Do đó, ông Trung kiến nghị nên sửa đổi khoản 3, Điều 58 Dự thảo như sau: Nhà nước khi vì trường hợp rất cần thiết cho quốc phòng an ninh hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì trưng mua theo giá thị trường. Riêng đối với các dự án kinh tế, xã hội thì chủ dự án phải thương thảo với tổ chức, cá nhân có QSDĐ, với giá thỏa thuận. Đối với đất do Nhà nước cấp hoặc cho thuê thì chuyển đổi hay bồi hoàn thỏa đáng cho người có QSDĐ
Liên quan đến khoản 3, Điều 58 Dự thảo, ông Trần Văn Tư, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ cũng cho rằng: Đất đai là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nước ta là nước nông nghiệp, lực lượng nông dân là động lực cơ bản quyết định đến sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quyền lợi cho nông dân về đất đai theo Dự thảo chưa được quy định rõ ràng, còn chung chung, cần làm rõ để đảm bảo quyền lợi của nhân dân về đất đai. Ông Trần Văn Tư đề xuất nên thêm cụm từ: "đảm bảo quyền lợi của nhân dân" sau cuối đoạn của khoản 3, Điều 58 Dự thảo.
CHẤN HƯNG (thực hiện)