17/06/2023 - 14:05

Quyển sách thú vị về pháp y 

CÁT ÐẰNG

Với kinh nghiệm 20 năm trong ngành pháp y, bác sĩ Hajime Nishio, Chủ nhiệm Phòng Pháp y, Ðại học Y Hyogo, Nhật Bản, đã viết "Sự trung thực của xác chết - Ghi chép của một nhà pháp y" (NXB Thế giới). Cuốn sách không chỉ giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về công việc của tác giả, còn giúp người đã khuất "cất lên tiếng nói cuối cùng".

Qua 7 chương sách với những bài viết cụ thể, chi tiết, bác sĩ Hajime Nishio đã đưa người đọc lần lượt tìm hiểu: "Chết vì nghèo đói", "Chết trong cô độc", "Chết vì tuổi già", "Sự khác biệt sau khi chết", "Trước bàn giải phẫu", "Thi thể trong vụ án mạng", "Thi thể hạnh phúc".

Những bài viết vừa mang tính chuyên môn, vừa nhân văn khiến người đọc bị cuốn hút theo từng trang sách. Bản thân tác giả trong công việc đã chứng kiến khá nhiều sự việc đau lòng. Có những cái chết được ông kể lại mà trong bảng báo cáo chỉ ghi được vài chữ "Chết vì nghèo đói", "Chết vì lạnh cóng" và đôi lúc cô độc cũng trở thành nguyên nhân của sự ra đi. Dù là quốc gia phát triển như Nhật Bản, thì xã hội vẫn có người nghèo khổ, khó khăn. Người đọc bàng hoàng và đau lòng khi tác giả kể lại những cuộc giải phẫu mà dạ dày người mất đã lâu ngày không có một chút thức ăn gì hoặc ốm đau bệnh tật nhưng không có tiền đi bệnh viện, đến nỗi tác giả phải thốt lên: “Trong xã hội này vẫn còn những con người đói khát tới mức chết trong cô độc, không thể cầu cứu bất cứ ai".

Từng chương một, độc giả không những lĩnh hội được những kiến thức tổng quát của ngành pháp y, mà còn nhận ra tầm quan trọng của công việc này để tìm ra nguyên nhân cái chết thực sự. Bởi có những vụ việc nhìn qua tưởng là chết vì bệnh hay tự vẫn, hay do tai nạn… nhưng khi giải phẫu mới biết là vì nguyên nhân khác. Và các nhà pháp y đã giúp người đã khuất lên tiếng, giúp người thân, cảnh sát có thông tin chính xác để có thể điều tra vụ án hay khép lại hồ sơ. Mỗi câu chuyện khác nhau được làm sáng tỏ thông qua pháp y, vén nhiều góc khuất: nạn nhân bị bạo hành lâu ngày, nạn nhân bị giết rồi hung thủ ngụy tạo thành chết cháy… Nhiều trường hợp đặc biệt tưởng như không thể có manh mối, nhưng bằng nghiệp vụ chuyên môn các bác sĩ pháp y vẫn tìm được nguyên nhân.

Có một thực tế là qua cuốn sách, độc giả nhận thấy việc giải phẫu pháp y ở Nhật Bản rất phổ biến vì 2 nguyên nhân: một là vì có nhiều vụ việc bất thường cần phải có báo cáo pháp y để góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân; hai là quy định pháp luật ở đất nước này chú trọng đến báo cáo pháp y. Dù là một người già sống một mình khi qua đời mà không có biểu hiện bất thường gì, mọi người cho là chết bệnh, chết vì già; thì cảnh sát vẫn yêu cầu giải phẫu pháp y để tìm ra nguyên nhân chứ không kết luận chủ quan. Sách cũng cho thấy tình yêu nghề, tinh thần vượt khó của các bác sĩ pháp y để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Kết thúc cuốn sách, tác giả nhắn gửi: "Chúng ta không thể lựa chọn cách chết cho mình. Chính vì vậy, tôi vẫn luôn mong mọi người có thể dành hết tinh thần tập trung cho sự sống của bản thân ngay tại thời điểm này thay vì chỉ lo về cái chết". "Hy vọng thông qua cuốn sách này, ít nhất mỗi người đều có thể suy nghĩ, cân nhắc xem bản thân nên làm gì để có thể sống tốt hơn".

Chia sẻ bài viết