09/06/2012 - 08:04

Sau vụ “nhân vật số 2” của al-Qaeda bị tiêu diệt

Quyền lực của al-Qaeda đang dịch chuyển khỏi Pakistan

Các quan chức chống khủng bố của Mỹ nhận định cái chết của phó tướng al-Qaeda Abu Yahya al-Libi đầu tuần này đang đẩy nhanh sự dịch chuyển quyền lực từ bộ phận lãnh đạo đang suy yếu của mạng lưới khủng bố này ở Pakistan sang các chi nhánh ngày càng lớn mạnh khác, đặc biệt là chi nhánh ở Yemen, bộ phận đang tập trung tấn công vào các lợi ích của người Mỹ.

 

Hiện tại, thủ lĩnh Ayman al-Zawahri (ảnh) của al-Qaeda vẫn giữ được tầm ảnh hưởng rộng lớn mà ông đã củng cố sau cái chết của cựu thủ lĩnh là trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm ngoái, song cơ cấu quyền lực trong tổ chức này có thể đang lung lay. Vụ tiêu diệt al-Libi, kẻ đóng vai trò then chốt trong việc lên kế hoạch tấn công phương Tây cũng như chỉ đạo hành động cho các nhánh al-Qaeda khác, đã phá hỏng sự liên kết giữa giới lãnh đạo al-Qaeda tại Pakistan với các chi nhánh của mạng lưới này khắp Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, cái chết của al-Libi cũng dự báo nguy cơ bạo lực gia tăng khi các tay súng trẻ tuổi và hiếu chiến sẽ tranh giành vai trò lãnh đạo tổ chức thánh chiến toàn cầu này, có thể là bằng cách gây ra những vụ khủng bố dữ dội để “lấy điểm”.

Đứng đầu trong danh sách là các thủ lĩnh của chi nhánh al-Qaeda ở Yemen, còn gọi là al-Qaeda ở bán đảo A-rập (AQAP), phe đã 3 lần âm mưu đánh bom các chuyến bay thương mại đến Mỹ trong vòng 3 năm qua nhưng đều thất bại, gần nhất là vụ đánh bom quần lót bị phát giác hồi tháng rồi. Giới chức Mỹ cho biết lo ngại lớn nhất của họ là nhóm khủng bố ở Yemen, dẫn đầu Nasser al-Wuhayshi, một người gốc Arabie Séoudite vốn là thư ký riêng của bin Laden hồi thập niên 1990 và từng phụ trách các vụ tấn công chống lại cả Yemen và Mỹ. Tại Somalie, al-Shabab - tổ chức gần đây được xem là chi nhánh của al-Qaeda, hiện có hàng chục tay súng người nước ngoài, trong đó có một số người đang sở hữu hộ chiếu Mỹ, cho phép họ có thể đi lại vào nước này một cách dễ dàng.

Ở Bắc Phi, chi nhánh của al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo (AQIM) thì tăng cường hoạt động bắt cóc tống tiền, mở ra hướng mới huy động tiền để tồn tại khi các nguồn tài chính khác bị chặn đứng do nỗ lực chống khủng bố của các nước trong khu vực. Tổ chức này còn nhận được sự ủng hộ của phiến quân Tuareg trở về từ Lybie với nhiều vũ khí hạng nặng, kể cả tên lửa đất đối không. Giới chức chống khủng bố Mỹ cho biết tại Iraq, hàng trăm tay súng có liên hệ với al-Qaeda đã kéo sang nước láng giềng Syrie để lợi dụng sự bất ổn chính trị ở nước này gây ra các vụ tấn công. Họ cho rằng chính những phần tử này có thể đã đứng đằng sau các vụ đánh bom lớn nhằm vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các nhà phân tích bày tỏ lo ngại sự chuyển dịch quyền lực trong mạng lưới al-Qaeda sau sự ra đi của các thủ lĩnh kỳ cựu chẳng những không làm giảm sức mạnh của chúng mà còn dẫn đến nhiều vụ tấn công khủng bố hơn.

THANH TRÚC (Theo LATimes)

Quan hệ Mỹ-Pakistan thêm căng thẳng

Ngày 7-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã gia tăng sức ép lên Pakistan, nói rằng “chúng tôi (Mỹ) đã đạt tới giới hạn của sự chịu đựng” trước cái mà ông cho là quốc gia Nam Á tiếp tục cung cấp “mảnh đất an toàn” cho mạng lưới khủng bố Haqqani có liên quan tới al-Qaeda. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ đang cứng rắn hơn với Pakistan sau nhiều năm im lặng và tìm cách cải thiện mối quan hệ với nước này thay vì chuyển sang đối đầu. Trong khi đó, Đại sứ Pakistan tại Mỹ, bà Sherry Rehman, ngày 8-6 đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của ông Panetta về việc Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Pakistan, bất chấp sự phản đối của nước này. Bà cho rằng đây là hành vi “rất nghiêm trọng” có thể “làm thụt lùi tiến trình thu hẹp những bất đồng song phương” giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh đôi bên đang nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hiện nay.

Chia sẻ bài viết