10/06/2023 - 11:29

Quy định của pháp luật về xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè 

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là câu chuyện nói mãi mà vẫn chưa thể giải quyết triệt để không chỉ riêng ở Cần Thơ. Tình trạng này làm mất mỹ quan đô thị, gây cản trở, ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Tầm 16 giờ hằng ngày, người dân thường mua bán trên cầu Cái Chôm, phường Phước Thới.

Khu vực cầu Cái Chôm, phường Phước Thới, quận Ô Môn, tiếp giáp với khu công nghiệp, có rất nhiều xe tải trọng lớn thường xuyên lưu thông. Tuy nhiên, các tiểu thương nơi đây vẫn vô tư mua bán lấn chiếm lòng đường. Anh Nguyễn Văn Tài, người dân địa phương, nói: “Chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua ngay những thứ mình cần. Tuy thuận tiện nhưng như vậy là rất nguy hiểm vì sẽ gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Chính quyền và ngành chức năng địa phương cần kiên quyết xử lý đối với những trường hợp mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”. 

Ðiều 12, Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: đối với hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, có thể bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức. Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000-800.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị. Hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe... có thể phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.

Người có thẩm quyền xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, gồm: cảnh sát giao thông; cảnh sát trật tự; trưởng công an cấp xã; thanh tra giao thông vận tải...

Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền, mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Ðể giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè này, thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng địa phương ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp bà con nâng cao nhận thức pháp luật; cần áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính thật nghiêm, nhằm giáo dục, răn đe những trường hợp khác vi phạm.

Chia sẻ bài viết