* Đề nghị phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
(TTXVN)- Sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự và nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ với tỷ lệ tán thành 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam; Thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam với tỷ lệ tán thành là 90,76% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, là cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác từ cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Ông Nguyễn Văn Nên luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công; có đủ phẩm chất và năng lực đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tờ trình về dự án Luật phá sản (sửa đổi) do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày nhấn mạnh mục tiêu của Luật Phá sản là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi các quy định của Luật Phá sản 2004 còn nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành. Đồng thời bổ sung những quy định mới để kịp thời điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh trong thực tiễn mà chưa được Luật hiện hành quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Dự thảo Luật đã bổ sung các chế định tương ứng có tính khách quan, chặt chẽ hơn. Dự thảo Luật bãi bỏ 15 điều: về thủ tục phá sản (Điều 5); Tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 9), nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 10), nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 11), quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (Điều 16), khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 56), quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản (Điều 86), quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp đặc biệt (Điều 78), quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành (Điều 79), quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản sau khi có nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất (Điều 80), nội dung quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 81), hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thanh lý tài sản (Điều 82), khiếu nại, kiến nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 83), giải quyết khiếu nại, kiến nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 84), đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản (Điều 85).
Luật Phá sản 2004 gồm 9 chương và 95 điều, Dự thảo Luật bổ sung 03 chương thành 12 chương và nâng số điều lên tổng số 124 điều, trong đó giữ nguyên 07 điều, sửa đổi 73 điều và bổ sung mới 44 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi) của Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật phá sản còn góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ủy ban kinh tế đánh giá dự án Luật Phá sản (sửa đổi) so với Luật Phá sản hiện hành đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới như: quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chế định Quản tài viên; phương thức gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thứ tự phân chia tài sản... Những nội dung này sẽ tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; vận hành khai thác các công trình thủy điện và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đa số các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện để đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm an toàn cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu rõ: Trong Nghị quyết, Quốc hội cần giao Chính phủ tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, nếu không bảo đảm môi trường sẽ loại bỏ; khẩn trương ban hành đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hồ đập thủy điện và chế tài xử lý cụ thể; xác định thời gian hoàn thành trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn, lưu vực sông, rừng đặc chủng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng "chặt cây sống, trồng cây chết".
Thể hiện sự tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38/2004/QH11 là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, dự án đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong Báo cáo của Chính phủ số 1581/CP-CN ngày 22-10-2004 về Dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết 38/2004/QH11. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết 38/2004/QH11 không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu Quốc hội nhất trí Quốc hội cần ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.