24/12/2018 - 21:50

Quan trắc môi trường - Khâu then chốt phát triển thủy sản 

Những năm qua, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản đã trở thành thế mạnh kinh tế khu vực ĐBSCL, là vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho tiêu dùng và xuất khẩu của cả nước. Việc quan trắc thường xuyên nguồn nước cấp vào các vùng nuôi có ý nghĩa quan trọng phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất NTTS, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững…

Khâu then chốt

Những năm qua, NTTS vùng ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn. Qua đó, góp phần giảm nghèo, tạo thu nhập và việc làm cho một bộ phận lao động, đóng góp tích cực cho kinh tế. Bên cạnh những thành tựu quan trọng, NTTS của vùng cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề tồn tại về môi trường và dịch bệnh. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay môi trường nuôi thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động NTTS không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng không ít đến NTTS… Do đó, việc quan trắc môi trường phục vụ NTTS là cần thiết, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi. Qua đó, giúp người nuôi chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững NTTS của vùng.

Nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: T. Trinh
Nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: T. Trinh

Tháng 12-2014, Bộ NN&PTNT có Quyết định số 5204/BNN-TCTS phê duyệt dự án Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng, thực hiện giai đoạn 2015-2020. Theo Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2015-2018, Tổng cục Thủy sản phối hợp các địa phương triển khai công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả, đến nay đã có 38 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất NTTS. Trong đó, 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (trừ Hậu Giang) triển khai 236 điểm quan trắc, cụ thể: 93 điểm nuôi tôm nước lợ; 98 điểm nuôi cá tra; 2 điểm nuôi ngao; 24 điểm cá rô phi/cá lồng bè và 19 điểm đối tượng khác. Đồng thời, thiết lập và duy trì hoạt động phối hợp triển khai các hoạt động quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản giữa cơ quan quản lý thủy sản Trung ương, địa phương và người nuôi tại các tỉnh triển khai. Đặc biệt, đã khắc phục và tạo được cơ chế phối hợp thu mẫu, phân tích, trả kết quả (thông báo kết quả, cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của các nguy cơ) cho người nuôi. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý làm công tác quan trắc môi trường tại địa phương. Cùng với đó, ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình quan trắc môi trường trong NTTS; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường từ Trung ương đến địa phương...

Các dữ liệu quan trắc được báo cáo định kỳ và hằng tháng gửi đến cơ quan chức năng để tập hợp và hệ thống hóa thành cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá diễn biến môi trường theo thời gian. Từ đó, dự báo diễn biến môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất. Đây cũng là tư liệu quan trọng giúp xác định nguyên nhân các sự cố môi trường, phục vụ công tác điều tra được thuận lợi hơn. Theo bà Lê Thị Kiều Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, việc quan trắc thường xuyên nguồn nước cấp vào các vùng nuôi không những có ý nghĩa quan trọng trong công tác chỉ đạo sản xuất, cung cấp các thông tin cho người nuôi mà còn sử dụng cho minh bạch điều kiện sản xuất cho khách hàng sử dụng các sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho các đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu đến Việt Nam tìm hiểu, đánh giá điều kiện NTTS của vùng.

Tăng cường quan trắc

Công tác quan trắc môi trường NTTS tại ĐBSCL bước đầu đã được triển khai khá đồng bộ và đạt được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản và các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay quan trắc môi trường NTTS chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, kinh phí đầu tư ít, đào tạo nhân lực và kinh nghiệm thực tế chưa nhiều. Trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc chưa được đầu tư quy mô, đồng bộ đảm bảo cho hoạt động quan trắc diễn ra thường xuyên. Nhân lực quan trắc môi trường NTTS địa phương còn thiếu, ít được đào tạo. Bên cạnh đó, phần mềm cơ sở dữ liệu chưa được hoàn thiện để thống nhất chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương. Một số thời điểm chế độ thông tin cảnh báo được gửi đến cơ quan quản lý, cơ sở nuôi còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo sản xuất mang tính thời sự…

Ông Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm quan trắc và Bệnh thủy sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu NTTS II, cho rằng: Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL xem xét mở rộng số điểm quan trắc cũng như tần suất quan trắc để kịp thời hơn nữa trong việc phục vụ chỉ đạo sản xuất. Hệ thống quan trắc và giám sát cần có tính lặp lại hằng năm về vùng theo dõi cũng như các chỉ tiêu phân tích, thời gian giám sát để có thể đánh giá được khuynh hướng diễn biến của các yếu tố môi trường và bệnh. Ngoài ra, các địa phương xem xét huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, các trại nuôi lớn để phối hợp thực hiện giám sát tại các vùng nuôi.

Ông Lâm Phúc Nhân, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, kiến nghị: Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản thống nhất các chương trình quan trắc giữa Trung ương và địa phương để tránh trùng lắp, lãng phí. Đồng thời, kết quả cần phản ánh được các chỉ tiêu của toàn vùng. Tổng cục Thủy sản nên hoàn thành sớm bộ lưu trữ dữ liệu, trang thông tin điện tử về quan trắc môi trường phục vụ NTTS để các địa phương cập nhật nhằm báo cáo kết quả kịp thời cho tổng cục. Khuyến cáo các địa phương đồng nhất các phương pháp phân tích để kết quả phân tích tương quan và các địa phương chung một nguồn nước có thể dùng tham khảo.

Ngoài ra, các địa phương cho rằng: Cần có cơ chế phối hợp liên kết chia sẻ thông tin chất lượng nước, lũ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… giữa các tỉnh, thành trong vùng. Tổng cục Thủy sản quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ quan trắc…

T. Trinh

Chia sẻ bài viết