19/08/2024 - 15:26

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Quan tâm giáo dục đào tạo để tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững 

(CT) - Sáng 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu chính tại Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố. Đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, sở ban ngành, các trường đại học…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng yêu cầu ngành GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt lễ khai giảng vào ngày 5-9 sắp tới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD&ĐT; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT mới, Thủ tướng lưu ý Bộ GĐ&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp thực tiễn... 

Nhấn mạnh GD&ĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng"; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ. Ảnh: B.NG 

Năm học 2023-2024, cả nước có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập; với trên 21 triệu học sinh; trên 1,25 triệu giáo viên. Ngành GD&ĐT đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó, thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, qua kết quả cuộc thi, hội thi cấp quốc gia, quốc tế. Điển hình như tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đã giành được 1 giải Nhì; đạt 33 huy chương tại Olympic khu vực và quốc tế; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Toàn ngành đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm… Bậc đại học, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt vào Bảng xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2025 (QS WUR 2025); có 6 trường lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á tốt nhất năm 2024 (theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Times Higher Education)...

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

B.Ngọc

Chia sẻ bài viết