25/12/2021 - 17:03

Quan tâm đúng cách 

“Con phải thi đậu đại học ngành y, trở thành bác sĩ để ba mẹ nở mày, nở mặt…” hay “Con phải chọn bạn mà chơi, mẹ không hài lòng các bạn con…” - các bậc phụ huynh thường muốn con phải làm theo ý mình mà không quan tâm các con cũng cần được thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc...

Đừng áp đặt

Ba giờ sáng, Mỹ Khanh, sinh viên năm 3, con gái chị Mỹ Lan, ở quận Ninh Kiều, mở cửa phòng, vội vàng nói với mẹ: “Nhỏ bạn thân đang thuê trọ gọi điện nói bị trúng thực từ khuya, uống thuốc nhưng không đỡ. Con phải mua thuốc mang qua và ở lại với bạn, chờ mẹ bạn đang từ quê Cà Mau lên”.

Cha mẹ cần gần gũi, trò chuyện để lắng nghe, thấu hiểu suy nghĩ, tâm tư của con cái (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: CTV

Nhìn ngoài đường vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có tiếng xe chạy, chị Mỹ Lan ngăn Khanh lại, muốn chờ sáng hai mẹ con cùng đi. Khanh phân bua, bạn đang cần mình, không thể chần chừ. Chị Lan cương quyết không đồng ý, giờ này đường vắng, đi ra ngoài rất nguy hiểm… Sau khi nghe chị Lan và con gái “tranh luận”, chồng chị Lan bảo để con gái đi, kẻo bạn đợi. Khanh đi nhanh quên cả chào ba mẹ. Chị Lan tiếp tục “nhằn” chồng sao không cùng “phe” để giữ con gái lại. Khi chồng nói, chị nên vui khi con sống tình nghĩa với bạn; nếu vợ chồng chị không cho con đi, bạn xảy ra chuyện, tính sao đây, chị Lan thoáng chút bối rối… Khi Khanh học tiểu học, chị Lan đã giành phần đưa đón con đến trường, cùng con làm văn, giải toán ở nhà. Lúc Khanh học cấp 2, chị Lan dò hỏi việc Khanh chơi với bạn và hầu như không hài lòng người bạn nào. Chị Lan “lục” cặp con gái để “kịp thời ngăn chặn tình cảm tuổi học trò”… Mỗi lần chồng góp ý chị cần thông thoáng để con gái không cảm thấy gò bó, mất tự do, chị Lan cho rằng chồng cứ xuê xoa, chị khó lòng dạy con...

Vừa về đến nhà, Hoàng Hải, quận Cái Răng vẻ mặt mệt mỏi, bơ phờ, chẳng nói chẳng rằng, lững thững vào phòng. Anh Hữu Quân, ba Hải, nói với vợ lo cơm trưa cho con trai, chiều còn học online Toán, Hóa và Anh văn buổi tối. Anh Quân rành rẽ lịch học của con, trong khi Hải ngán ngẩm nuốt cơm không trôi dù thức ăn thịnh soạn, nóng sốt. Anh Quân quay sang nhắc vợ quy định, cả nhà chỉ xem truyền hình khi con trai học bài xong. Vợ có trách nhiệm chăm sóc con trai quần áo tươm tất, bữa ăn dinh dưỡng. Từ khi Hải bắt đầu làm quen với con số, các phép tính, rồi ký hiệu vật lý, phản ứng hóa học, anh Quân đã có suy nghĩ Hải phải trở thành bác sĩ. Lúc Hải nghỉ hè lớp 11, ba mẹ chọn “lò” luyện thi đại học cho con trai kiểu “bao” đậu. Anh Quân giúp con lập thời khóa biểu cụ thể học ở trường, học ở nhà, rất ít thời gian vui chơi, thư giãn vì thi đậu ngành y là mục tiêu chính. Hải như “ông cụ non”, không có nhiều bạn để trò chuyện, trao đổi. Lúc nào, anh Quân cũng nhắc nhở con trai học và học…

Hãy lắng nghe và thấu hiểu

Trên đường chạy đến nhà bạn, Mỹ Khanh lo không biết bạn ra sao, chớ chưa nghĩ cảm xúc của mẹ. Ðến khi ngồi bên bạn đang mệt mỏi ngủ thiếp, Khanh mới chạnh nhớ và thấy có lỗi với mẹ. Khanh hiểu mẹ kiên quyết cản ngăn không cho đến nhà bạn vì lo lắng sự an toàn của Khanh. Từ khi Khanh còn nhỏ, mọi sinh hoạt của Khanh mẹ đều chu toàn đến thái quá. Mẹ “can thiệp” đến nỗi không bạn nào dám đáo lại nhà Khanh. Càng lớn, Khanh càng cảm thấy bị gò bó, ức chế khi không được mẹ thấu hiểu, chia sẻ, chỉ toàn bắt buộc và áp đặt. Dần dà giữa hai mẹ con dường như có khoảng cách vô hình. Khanh hy vọng sẽ đến lúc mẹ nhận ra và yêu thương con đúng cách.

Hải luôn biết ơn ba mẹ đã thương yêu và dành cho Hải những gì tốt đẹp nhất. Hải khắc sâu và trân quý tâm sự của ba về ước mơ làm bác sĩ phải dang dở vì gia cảnh khó khăn và kỳ vọng Hải sẽ thay ba thực hiện. Ánh mắt ba rạng ngời niềm tin khi tưởng tượng cảnh Hải trong chiếc áo blouse trắng trị bệnh cứu người. Thế nhưng, ba chưa từng hỏi Hải ước mơ gì, thích làm nghề gì... Ba phản bác ngay ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của Hải với lý do “nghề cực nhọc, được bao nhiêu tiền”. Bởi ba mẹ quá kỳ vọng nên Hải miễn cưỡng đồng ý nhưng không hề thích. Hải theo học các môn ba đăng ký với tâm trạng không thoải mái nên tiếp thu kiến thức không hiệu quả. Chưa biết phải làm gì để hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng nhưng chắc chắn Hải sẽ không buông bỏ. Hải mong ba thay đổi suy nghĩ, không buộc ràng, áp đặt, để Hải được tự do chọn lựa nghề nghiệp và đi đến cùng sở thích, đam mê.

Mỗi bậc phụ huynh có phương pháp răn dạy con khác nhau và đều mong muốn các con thành người hữu dụng. Thế nhưng, không nên áp đặt kiểu “người lớn không sai” hay “ba mẹ luôn đúng”, bởi lẽ các con đều có nhu cầu thể hiện quan điểm, chính kiến - đúng hay sai cũng cần được phụ huynh lắng nghe và trân trọng.

Mai Thy

Chia sẻ bài viết