18/12/2008 - 09:11

Quản lý nước ngầm ra sao?

Tại hội thảo quốc tế “Nước ngầm và an toàn cho con người” được tổ chức tại Alexandria (Ai Cập) vào tuần trước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Đại học Cần Thơ, đã chia sẻ với nhiều nhà khoa học quốc tế bài toán quản lý nước ngầm ở ĐBSCL. Chúng tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh xoay quanh đề tài này. Ông nói:

- Việc thay đổi khí hậu toàn cầu do mực nước biển dâng đang dẫn đến nhiều vùng trên thế giới sẽ bị mặn xâm nhập. Vì thế, nước ngầm trở thành yếu tố quan trọng, không những cho những nơi đang thiếu nước mặt hiện nay, mà còn cho những nơi bị tác động nước biển dâng do thay đổi khí hậu sắp tới. ĐBSCL cũng là một trong những nơi được đánh giá bị tác động lớn. Về mặt môi trường, nguồn nước ngầm đóng vai trò quan trọng để cân bằng sử dụng nước mặt và nước ngầm. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan mặt đất liên quan tới đa dạng sinh học. 

Đối với đời sống và phát triển bền vững, hiện nay các vùng khó khăn về nước trên thế giới đã khai thác và sử dụng nước ngầm với các mục tiêu khác nhau. Phục vụ nước sinh hoạt hàng ngày cho hàng tỉ người; nhu cầu này ngày càng tăng vì dân số tiếp tục phát triển. Về phục vụ đô thị hóa, theo nhiều kết quả tính toán, càng phát triển đô thị thì nhu cầu sử dụng nước ngầm càng tăng trong khi nguồn nước bổ sung từ sông rạch và nước trời đã bị hạn chế. Trong sản xuất nông nghiệp thì hiện nay các vùng canh tác lệ thuộc nước trời, nếu muốn chống hạn đầu vụ và cuối vụ hoặc tăng vụ đều phải bổ sung từ nguồn nước ngầm và mức độ sử dụng nước ngầm ngày càng tăng. Trong công nghiệp và dịch vụ cũng có tình trạng tương tự, càng phát triển thì nhu cầu sử dụng nước ngầm ngày càng cao.

* Các nhà khoa học đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên nước ngầm hiện nay ra sao, thưa Tiến sĩ?

- Hội nghị cho rằng, tổn thương nguồn nước ngầm đang càng ngày càng cao, tầng nước ngầm đang bị sụt giảm nhanh. Thí dụ, trong 10 năm qua, ở Ai Cập mực nước ngầm trung bình giảm khoảng 3 - 4 mét; ở ĐBSCL của Việt Nam có nơi giảm từ 5 - 8 mét. Việc ô nhiễm tầng nước ngầm đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó đáng ngại là chất arsenic cực độc, rất có hại cho sức khoẻ, gây bệnh ung thư cho con người. Ngoài ra, đối với các hộ nghèo và hộ sản xuất nông nghiệp thì mức độ bị tổn thương ngày càng tăng vì thiếu khả năng tài chính để đầu tư khai thác sử dụng trong bối cảnh nguồn nước ngầm càng ngày càng cạn kiệt. 

* Báo cáo của các nước và Việt Nam có những điểm nào khác nhau và gặp nhau?

- Có ba chuyện khác nhau. Đối với ĐBSCL thì tài nguyên nước ngầm còn cao, ước tính trung bình cung cấp hơn một triệu mét khối/ngày; khả năng nạp lại nguồn nước ngầm (ground water rechargable) trong mùa khô của vùng này còn hạn chế vì lưu lượng dòng chảy sông Cửu Long trong mùa khô thấp, khoảng 1.800 mét khối/giây và thiếu nước mưa bổ sung. Về thể chế, tổ chức, chính sách khai thác và quản lý nước ngầm vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập so với nhiều nước. Các nước khác vốn khan hiếm nguồn nước mặt, nên họ càng quan tâm quản lý và sử dụng nước ngầm một cách bền vững hơn qua tính toán cân bằng sử dụng nước; còn với vùng ĐBSCL thì ngược lại.

 Tình trạng khai thác nước ngầm theo kiểu manh mún, thiếu qui hoạch, thiếu quản lý đang làm nguồn tài nguyên này ngày càng bị ô nhiễm và suy giảm. Ảnh: VĂN CÔNG

Và có ba chuyện giống nhau. Đó là khai thác nước ngầm quá mức trong mùa khô kiệt. Nguồn nước ngầm đang bị tổn thương do tầng nước ngầm bị sụt giảm và ô nhiễm ngày càng tăng. Đặc biệt là chuyện khó kiểm soát và quản lý ở hộ gia đình về khai thác nước ngầm qua giếng khoan cho sinh hoạt riêng lẻ. 

* Thưa Tiến sĩ, báo cáo của Việt Nam đã được chia sẻ ra sao?

- Thế giới chia sẻ với Việt Nam trước hết là phương pháp nghiên cứu về vai trò tham gia của cộng đồng và hộ dân về quản lý và sử dụng nước ngầm. Chúng ta cũng đã tìm ra khoảng cách giữa luật lệ quản lý nước ngầm của Nhà nước và thực tế người dân sử dụng để đề xuất giải pháp khả thi về nâng cao năng lực và ý thức về khai thác và quản lý nước ngầm với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Điều này khác với các nước không có thói quen nghiên cứu như thế; họ chỉ chú ý luật lệ nhà nước và làm từ trên xuống là chính. Ngoài ra, chúng ta cũng chia sẻ với hội nghị về cách tiếp cận nghiên cứu quản lý và khai thác nước ngầm để phục vụ sinh kế bền vững cho cư dân đang sống ở các nơi còn gặp khó khăn về nước.

* Qua tham quan thực tế, ông có nhận xét gì về việc sử dụng nước ngầm của người dân Ai Cập?

- Ai Cập có nhiều vùng rất khan hiếm nguồn nước mặt như ở Cairo và Alexandria. Do vậy họ khai thác nước ngầm để phát triển kinh tế - xã hội là chính.

Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi từ Ai Cập.  Nhà nước lo chuyện đánh giá trữ lượng từng vùng, từng địa phương và đưa ra chính sách, luật lệ sử dụng. Chính quyền địa phương sẽ căn cứ vào đó để khai thác và quản lý sao cho phù hợp. Thí dụ sử dụng cho công nghiệp thì phải đóng tiền nhiều hơn cho dân sinh; sử dụng càng nhiều thì đóng tiền càng cao. Hộ nông nghiệp thì được các công ty tư vấn về  nguồn và tầng nước ngầm tại nông trại của họ để sử dụng hiệu quả hơn. Dân Ai Cập luôn “tưới tiết kiệm nước”; họ dùng hệ thống ống nhựa “tưới nhỏ giọt” đến từng gốc cây với một lượng vừa đủ theo ẩm độ đất và nhu cầu cây trồng, không để thất thoát qua bốc hơi hoặc chảy tràn. Họ cũng dùng hệ thống này để đưa dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cho cây trồng. Với các công ty tư nhân kể cả công ty nước ngoài thì được đầu tư khai thác sản xuất nước uống đóng chai, nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về giới hạn trữ lượng khai thác và không được xuất khẩu nước uống ra khỏi Ai Cập. Còn nhà khoa học thì họ được đầu tư nghiên cứu có hệ thống, từ trữ lượng, khai thác đến sử dụng và quản lý mang hiệu quả cao để phản hồi cho các nhà hoạch định chính sách.

Qua cách tham gia trên, có thể thấy Ai Cập áp dụng mối liên kết “4 nhà” một cách rõ rệt để khai thác và sử dụng nước ngầm hợp lý.    

* ĐBSCL dồi dào về nguồn nước, nhưng các nhà khoa học thế giới nhìn nhận thực trạng khai thác nước ngầm của ta ra sao?

- Cách nay hơn 10 năm, người dân ĐBSCL sử dụng nguồn nước mặt (nước sông và nước mưa) cho sinh hoạt là chính. Nước ngầm chỉ được khai thác trong mùa khô ở các vùng ven biển, nhiều nhất từ những năm 1993, do chương trình UNICEF tài trợ. Nhưng hiện nay nguồn nước mặt ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm nặng. Vì thế, dù sống trong vùng ngọt hay vùng ven biển, người ta đều phải khai thác và sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt hàng ngày và việc khai thác này ngày càng tăng. Ngoài ra, việc đô thị hóa, tăng dân số, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có liên quan khai thác tài nguyên nước ngầm của vùng.

Có một thực trạng là nhiều hộ dân và công ty khoan cây nước, khi khoan không đúng tầng nước tốt thì bỏ đi khoan chỗ khác mà không lấp kín các lỗ đã khoan. Điều này làm cho tầng nước ngầm bị ô nhiễm ngày càng cao vì sự rò rỉ tầng nước mặt bị ô nhiễm, hoặc mặn xâm nhập xuống tầng nước ngầm.

Ngoài ra, nguồn nước ngầm thì không có ranh giới cho từng tỉnh. Nhưng mỗi tỉnh thì quản lý và khai thác khác nhau. Nếu tỉnh này khai thác quá mức hoặc để nước ngầm bị ô nhiễm thì chắc rằng tỉnh khác sẽ bị ảnh hưởng. Điều này rất nguy hiểm cho cả vùng.

* Như vậy, giải pháp bền vững cho vấn nạn này là gì?

- Để giải quyết vần đề này, chúng ta cần quản lý và khai thác một cách hệ thống, liên kết vùng và có sự tham gia của “4 nhà”. Với Nhà nước, cơ quan chuyên môn các cấp cần đo đạc và đánh giá tình trạng nước ngầm toàn vùng và đưa ra chính sách quản lý hợp lý. Phải tính toán giữa nạp vào và sử dụng để có đáp án cho bài toán cân bằng sử dụng nước ngầm. Đồng thời, phải đề phòng tính dễ bị tổn thương của nguồn nước ngầm do khai thác quá mức làm sụt giảm và gây ô nhiễm. Việc chia sẻ thông tin phải làm thật tốt vì hiện nay số liệu và thông tin về nước ngầm được các bộ ngành trung ương quản lý nhưng các địa phương thì thiếu thông tin trầm trọng. Đồng thời phải nâng cao năng lực cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực thi về quản lý và sử dụng nước ngầm.

Nhà khoa học thì cần được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống, từ đánh giá trữ lượng tới cách sử dụng hợp lý và bền vững để cân bằng sử dụng nước ngầm lâu dài. Trong đó, các giải pháp tránh sụt giảm và gây ô nhiễm cần được đặc biệt quan tâm. Với cộng đồng và hộ dân thì mỗi người phải ý thức về giá trị của nước ngầm đối với sự sống của chính mình. Đồng thời mọi người phải được quản lý qua giải pháp kinh tế về việc mua bán tài nguyên nước ngầm. Với đơn vị kinh doanh thì dù là Nhà nước hay tư nhân cũng nên có đầu tư cho các trạm sử dụng nước công cộng. Như thế dễ quản lý hơn là từng hộ nhỏ lẻ tự khoan lấy nước ngầm mà không được kiểm soát. Ngoài ra, phải có hình phạt về việc khoan mà không lấp lỗ khoan để gây ra ô nhiễm.

Tuy rằng ĐBSCL có tài nguyên nước rất dồi dào, cả nước mặt và nước ngầm, nhưng nếu chúng ta quản lý và khai thác không tốt, để cạn kiệt và bị ô nhiễm thì càng khó để tính đến các vấn đề khác liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh; nhất là phải đối mặt với sự thay đổi khí hậu toàn cầu sắp tác động đến ĐBSCL.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

HUỲNH KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết