21/05/2008 - 22:21

Chất lượng tôm giống

Quản lý không xuể, người nuôi bị thiệt

Trong hai đợt “gãy” vụ tôm sú vừa qua ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, chất lượng tôm giống không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tôm chết cao. Nguồn tôm giống chất lượng cao bị thiếu hụt, ngành chức năng kiểm soát không xuể lượng tôm giống trên thị trường… đang là một trong những nguy cơ đe dọa ngành sản xuất chế biến tôm xuất khẩu của vùng ĐBSCL.

* Tôm giống “có bảo đảm” vẫn bị chết

Từ đầu vụ tôm năm 2008 đến nay, Bạc Liêu có hơn 15.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Cà Mau có trên 40.000ha tôm bị thiệt hại tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do thời tiết thất thường nắng nóng, thiếu nước... Nhưng theo nhiều người nuôi, chất lượng tôm giống không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tôm chết cao.

Chất lượng tôm giống đang là mối lo lớn của người nuôi tôm. Trong ảnh: Nuôi tôm công nghiệp tại thị xã Bạc Liêu. Ảnh: t. tâm 

Anh Lê Văn Cường ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thả nuôi hơn 50.000 con tôm giống. Nhưng mới được hơn nửa tháng, tôm chết trên 60%. Số tôm còn lại đầu bị vàng. Anh lắc đầu ngao ngán: “Tôi mua tôm giống tại trại giống ở Nhà Mát, chủ cơ sở nói giống đã được xét nghiệm không bị bệnh. Vậy mà giờ xem như thiệt hại hoàn toàn”. Anh Dương Văn Bé ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cũng mua tôm giống của một công ty với giá cao hơn giá thị trường gần gấp đôi (45 đồng/con so với giá tôm bình thường 30 đồng/con). Nhưng khi mang về thả nuôi mới phát hiện tôm không đúng kích cỡ ghi trên bao bì. Hậu quả là không còn con nào sống sót sau gần 1 tháng nuôi.

Ông Lê Văn Lến ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang bức xúc, nói: “Tôi sợ mua tôm giống không chất lượng rủi ro cao, nên chọn mua con giống có thương hiệu mà các phương tiện truyền thông thường nhắc tới. Tôm giống được giới thiệu là không bị bệnh đốm trắng nhưng khi nuôi vẫn bị “gãy”. Hai đợt chết vừa rồi, vuông tôm tôi thiệt hại khoảng 70%...”. Còn ông Nguyễn Văn Ngày (48 tuổi) ở ấp Long Khánh B, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cũng tỏ ra ngán ngẩm: “Tôi thả nuôi theo hình thức bán thâm canh 60.000 con tôm giống được kiểm dịch bằng máy PCR đàng hoàng. Tưởng chắc ăn, ai dè đến ngày thứ 45 thì tôm dưới ao bị chết không còn con nào. Khoảng 10 ngày sau tôi tiếp tục cải tạo ao - đìa thật kỹ, chọn mua tôm giống được kiểm dịch bằng máy PCR, thả lại 30.000 con. Nhưng chưa qua được 30 ngày tuổi, tôm lại chết gần hết, nên gia đình tôi quyết định ngưng thả nuôi tôm sú”.

Giải thích vấn đề này, kỹ sư Nguyễn Vân Thanh, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay, tôm giống đã qua kiểm dịch tại nơi sản xuất trước khi nhập vào tỉnh vẫn chưa đảm bảo chất lượng, do sự gian lận của người sản xuất. Vì vậy, người dân cần phải kiểm tra kỹ chất lượng và đừng ngại tốn kém để mua được con giống tốt, đúng chất lượng để thả nuôi...”.

* Bỏ ngỏ quản lý chất lượng

Ông Trần Đình Cung-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tính đến ngày 5-5-2008, Chi cục chỉ mới kiểm dịch được 448 triệu post tôm sú trong tổng số gần 3,5 tỉ con (chiếm 13%) đã được thả nuôi. Lượng con post được kiểm dịch chủ yếu từ các cơ sở kinh doanh trong tỉnh nhập về, còn phần lớn con post được thả nuôi do người dân tự đi mua từ Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh miền Trung. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại hơn 7.300 ha tôm nuôi từ đầu vụ đến nay. Các kết quả xét nghiệm mẫu tôm nuôi bị chết cho thấy đều nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV) và thân đỏ (MBV).

Chất lượng tôm giống ở Kiên Giang cũng đang trong tình trạng báo động khi ngành chức năng chỉ quản lý được 43%, số còn lại 57% bị bỏ ngỏ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, nhu cầu tôm giống mỗi năm cần khoảng 3,24 tỉ con, trong khi sản xuất nội tỉnh đáp ứng chưa tới 10%, tương đương 314 triệu con. Vì vậy chất lượng tôm giống ở tỉnh này ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng cũng là điều dễ hiểu.

Còn ở Bạc Liêu hiện có 450 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống đang hoạt động. Trong đó, có chưa tới 20 trại sản xuất tại chỗ, còn lại là các trại trung chuyển mà chủ yếu là mua tôm giống từ các tỉnh miền Trung về bán lại. Mỗi năm, nhu cầu giống tôm sú phục vụ việc nuôi trồng trên 110.000ha diện tích nuôi tôm của tỉnh lên đến trên 10 tỉ con. Trong khi đó, năng lực sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng trên dưới 5 tỉ con. Hiện Chi cục Quản lý chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản tỉnh Bạc Liêu chỉ kiểm soát được khoảng 40% lượng tôm nhập vào tỉnh. Người mua tôm giống phải tự bỏ tiền đi xét nghiệm, nếu không có bệnh thì phải trả thêm tiền cho người bán.

Trong khi thực tế nhiều nơi không có trạm kiểm dịch, nên người dân cũng chẳng biết “gõ cửa” ai để được giúp đỡ. Ngay cả biện pháp kiểm tra chất lượng con giống bằng cảm quan vốn rất đơn giản nhưng cũng xa lạ đối với nông dân. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Thời gian qua, ngành chức năng rất khó để thực hiện việc kiểm dịch. Lực lượng kiểm dịch không có chức năng chặn xe chở tôm giống du nhập vào tỉnh để tái kiểm. Vì khó khăn nên bỏ ngỏ. Từ đó, chất lượng tôm giống kém mà thiệt hại về phía người dân. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm dịch thủy sản. Ngoài ra, cần phải phổ biến các kiến thức, kỹ thuật đến tận người dân. Biện pháp kiểm tra chất lượng bằng cảm quan là rất dễ làm nhưng người dân không biết nghĩa là kênh thông tin giữa người nuôi và cơ quan chức năng chưa phát huy được hiệu quả...”.

* Ngành chức năng bắt đầu vào cuộc

Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: Thời gian tới, ngành thủy sản Bạc Liêu sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng tôm giống. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất con giống sản xuất theo quy trình sạch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trang bị máy móc, phương tiện hiện đại kiểm tra xử lý tôm nhập tỉnh chưa đạt chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm giống tập trung, có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, vốn... cho cơ sở đầu tư sản xuất giống với quy mô lớn.

Để giải quyết nhanh vấn đề kiểm dịch giống thủy sản, đầu tháng 5-2008, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản và các cơ quan chức năng khẩn trương lập 4 trạm kiểm dịch thủy sản tại các ngõ vào tỉnh tại Chòm Sao, Xẻo Rô, Thứ Bảy và Đập Đá. Đồng thời tái kiểm 100% mẫu tôm giống nhập tỉnh. Ngành thủy sản cũng khuyến cáo người dân nên mang mẫu đi tái kiểm tại các trạm kiểm dịch trước khi thả nuôi.

Ở Trà Vinh, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành nông nghiệp đang tăng cường công tác quản lý giống, ngăn chặn việc vận chuyển và mua bán tôm sú giống nhập tỉnh trái phép và không qua kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giống trái phép. Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Thanh tra Thủy sản kiên quyết thiêu hủy đàn tôm giống bị nhiễm bệnh vượt mức qui định, nhằm hạn chế rủi ro cho người nuôi. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý lịch thời vụ, kiểm tra các qui định về sản xuất và ương dưỡng tôm giống, trước khi xuất bán tôm giống phải qua kiểm dịch...

Nhóm PV-CTV

Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm Quan trắc-cảnh báo môi trường & phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực Nam bộ, cho biết:

Hiện nay, trên thị trường chỉ có tôm giống sạch bệnh chứ không có tôm kháng bệnh. Trong khi đó, các mầm bệnh tiềm ẩn rất nhiều trong môi trường nước. Khi thả tôm xuống thì virus gây bệnh đốm trắng đã sống ký sinh trên tôm. Gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, tôm yếu, mầm bệnh sẽ phát triển và lây lan. Do chưa có thuốc đặc trị nên tôm dễ dàng bị chết. Khi đó, người dân nôn nóng, xử lý ao không đúng kỹ thuật là điều kiện để mầm bệnh tái phát triển; đồng thời lan sang các ao nuôi khác theo nước thải từ ao nuôi bị bệnh. Điều quan trọng là người nuôi phải đảm bảo kỹ thuật nuôi, lắng lọc và lược nước trước khi cho vào ao nuôi.

Ngoài ra, nhận biết bằng cảm quan là cách làm dễ nhất. Tôm giống tốt thì thân trong suốt; khi bơi thì mắt nhìn thẳng, đuôi xòe. Nếu tôm đáp ứng các yêu cầu cảm quan này, người dân cần kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách cho tôm giống vào một ly nhựa rồi dùng tay khuấy tròn theo thành ly. Nếu tôm bám vào thành ly là tôm khỏe, nếu vón cục lại thành nhóm nhiều con là tôm yếu, rất dễ nhiễm bệnh khi thả nuôi.

 Th.Nguyễn

Chia sẻ bài viết