21/07/2019 - 17:41

Quá khứ đeo bám quan hệ Nhật-Hàn 

Hai đồng minh lớn nhất của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong tình trạng đối đầu, nhưng không phải với Trung Quốc hay Triều Tiên mà là với nhau, khiến Tổng thống Donald Trump phải đánh tiếng đứng ra làm trung gian hòa giải. Tokyo viện dẫn lý do an ninh quốc gia trong khi Seoul cùng nhiều nhà quan sát cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở quá khứ 35 năm Nhật chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên (1910-1945).

Dân Hàn biểu tình đòi tẩy chay hàng Nhật bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Ảnh: AP

Với cái cớ Seoul quản lý lỏng lẻo khiến một số vật liệu có thể dùng chế tạo vũ khí lọt vào tay Bình Nhưỡng nên Tokyo từ đầu tháng 7 đã siết chặt việc xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và hydrogen fluoride có độ tinh khiết cao. Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới nhưng phải nhập khẩu tới 94% các hóa chất nói trên từ nước láng giềng. Trước mắt, động thái của Nhật đã khiến giá các loại chip nhớ tăng 25% và về lâu dài có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Trong khi đó, Hàn Quốc cáo buộc bước đi trên là nhằm trả đũa việc Seoul kiên trì đòi Tokyo phải bồi thường thỏa đáng cho những nạn nhân lao động cưỡng bức hồi những năm 1910-1945. Cuối năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc tập đoàn thép lớn nhất xứ Phù Tang là Nippon Steel phải bồi thường cho các nạn nhân còn sống mỗi người 89.000USD. Để bảo đảm thi hành án, tòa đã tịch thu cổ phiếu của Nippon Steel tại một doanh nghiệp Hàn Quốc. Một công ty khác của Nhật là Mitsubishi Heavy Industries cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Tuy nhiên, Nhật khẳng định vấn đề lao động thời chiến đã được giải quyết trong một thỏa thuận hồi năm 1965, theo đó Nhật cung cấp cho Hàn Quốc 500 triệu USD, gồm viện trợ không hoàn lại và cho vay. Do vậy, Tokyo thẳng thừng từ chối đề xuất mới đây của Seoul rằng hai bên thành lập một quỹ chung hỗ trợ các nạn nhân. Đáp lại, Hàn Quốc không chấp nhận để nước thứ ba đứng ra làm trọng tài giải quyết tranh chấp với Nhật. Đã có án mạng trong căng thẳng hiện nay khi một cụ ông Hàn Quốc 78 tuổi, người có cha vợ là nạn nhân lao động cưỡng bức, tự thiêu bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Seoul hôm 19-7.

Thật ra, gút mắc Nhật-Hàn khó được giải quyết một phần do quan điểm cứng rắn của giới lãnh đạo hai nước. Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae-in vốn là một luật sư nhân quyền từng đại diện cho các nạn nhân lao động cưỡng bức nên không dễ gì nhượng bộ. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe được nhìn nhận là không mấy hối lỗi về quá khứ chiến tranh của Nhật. Ông từng làm Seoul tức giận xung quanh vấn đề “phụ nữ mua vui”- những phụ  nữ Hàn bị ép làm việc trong nhà thổ của quân đội Nhật. Việc ông mỗi năm đều gởi đồ cúng tới đền Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu binh sĩ Nhật tử trận trong Thế chiến thứ hai, trong đó có cả một số tội phạm chiến tranh, cũng khiến dân Hàn phẫn uất.

Quyết định của Chính phủ Nhật hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc còn được cho là mang động cơ chính trị, mà cụ thể là nhằm kiếm được nhiều lá phiếu hơn trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào hôm qua 21-7. Nếu liên minh cầm quyền và các đồng minh giành được 2/3 số ghế, ông Abe sẽ thuận lợi trong việc sửa đổi Hiến pháp Hòa bình (do Mỹ soạn thảo) ra đời từ năm 1947 vốn hạn chế vai trò của quân đội Nhật.

Do vậy, theo Reuters, sau cuộc bầu cử Thượng viện, Tokyo có thể sẽ dịu giọng nhưng sẽ không sớm dỡ bỏ những hạn chế đối với xuất khẩu sang Hàn Quốc, bởi thăm dò gần đây cho thấy có tới 58% cử tri Nhật ủng hộ động thái này, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 24%.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết