26/05/2020 - 09:59

PrEP-hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV 

Cuối năm 2019, Việt Nam có 11 tỉnh, thành phố triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Hiện 5.860 khách hàng đang sử dụng PrEP, trong đó 60% khách hàng sử dụng dịch vụ tại phòng khám tư nhân. Tại TP Cần Thơ hiện có 7 phòng khám với hơn 300 khách hàng đang sử dụng PrEP.

Bác sĩ hướng dẫn cho khách hàng dùng PrEP tại Phòng Khám bác sĩ Tuyền (Glink Cần Thơ).

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV. 7 phòng khám đang triển khai PrEP ở TP Cần Thơ, gồm: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Phòng khám Glink, Trung tâm y tế (quận Bình Thủy, Cái Răng), Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và 2 phòng mạch tư của bác sĩ Bạch Quí, bác sĩ Thu Hoa.

Trong các phòng khám, hiện nay, Phòng khám Glink Cần Thơ và Trung tâm Y tế quận Bình Thủy đông khách hàng nhất. Tính đến tháng 4-2020, Phòng khám Glink Cần Thơ đã có 109 khách hàng. Trung bình hàng tháng có 15 khách hàng đến đăng ký điều trị, đa số khách hàng tuân thủ tốt điều trị.

Trưởng nhóm Glink Cần Thơ Phạm Trương Kim Dương, cho biết: “Chúng tôi tiếp cận khách hàng chủ yếu qua mạng xã hội. Khi khách hàng muốn đến tư vấn, đăng ký điều trị, chúng tôi sẽ hẹn giờ, thuận tiện và bảo mật nhất cho khách hàng. Các bước tư vấn, sàng lọc đầu tiên được làm rất kỹ lưỡng vì có những khách hàng tìm đến PrEP theo phong trào, khó duy trì lâu dài. Chúng tôi chọn chất lượng thay vì số lượng. Ngoài ra, trong những ngày đầu uống thuốc, nhân viên thường xuyên liên hệ, hỏi thăm, động viên, giải tỏa những vướng mắc, tác dụng phụ của thuốc cho khách hàng. Một vài khách hàng mới uống thuốc cảm thấy nóng, nổi mụn... Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ kéo dài trong 1 tuần đầu uống thuốc”.

Một khách hàng uống PrEP kể: “Tôi uống PrEP được vài tháng nay. Sức khỏe bình thường, không thấy có tác dụng phụ gì. Tôi tiếp tục dùng PrEP vì thấy yên tâm hơn trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình. Tôi tìm hiểu thì thấy hiệu quả bảo vệ của PrEP cao hơn bao cao su. Tuy nhiên, trong quan hệ, bác sĩ khuyên tôi nên vừa sử dụng bao cao su vừa sử dụng PrEP để vừa phòng lây nhiễm HIV vừa phòng lây truyền các bệnh qua đường tình dục”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, PrEP uống mỗi ngày trước khi có nguy cơ nhiễm HIV. Người chưa nhiễm HIV và có nguy cơ cao nhiễm HIV nên dùng, hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục 90% và tiêm chích ma túy 70%.

Theo các nghiên cứu, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục qua đường hậu môn: người nhận hiệu quả bảo vệ từ 63-87%, người cho 55-76%. Với quan hệ tình dục khác giới qua đường âm đạo, hiệu quả của bao cao su là 80% trong khi PrEP 92%.

Chị Phạm Nguyễn Anh Thư, phụ trách Khoa Truyền thông và Can thiệp giảm hại, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: Dưới sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu, khách hàng sử dụng PrEP đều được miễn phí toàn bộ từ thuốc, xét nghiệm... TP Cần Thơ cam kết với Quỹ toàn cầu đạt 1.500 khách hàng vào cuối năm 2020. Dự kiến, sẽ mở thêm phòng khám ở các trung tâm y tế của quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, tại huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh cũng có thêm 2 phòng khám tư nhân. Việc mở rộng mạng lưới phòng khám đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng.

Ngoài PrEP hàng ngày, theo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, các phòng khám đang chuẩn bị triển khai PrEP tình huống (ED-PrEP). Với liều 2+1+1 (liều đầu uống 2-24 giờ trước quan hệ tình dục, liều 2: 24 giờ sau liều đầu, liều 3: 28 giờ sau liều đầu). Khách hàng có thể chuyển từ PrEP hàng ngày sang PrEP tình huống và ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay PrEP tình huống chỉ chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), quan hệ tình dục không thường xuyên và đảm bảo được việc dùng thuốc PrEP trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Điểm khác biệt nữa là PrEP tình huống sau 2-24 giờ uống thuốc có tác dụng bảo vệ, trong khi PrEP hàng ngày 7 ngày sau mới có tác dụng bảo vệ (quan hệ tình dục qua đường hậu môn); 21 ngày mới có tác dụng bảo vệ (quan hệ tình dục qua đường âm đạo).

Quy trình cung cấp dịch vụ PrEP có 5 bước: Sàng lọc nguy cơ của khách hàng (theo phiếu); đánh giá tình trạng nhiễm HIV và xác định khách hàng đủ tiêu chuẩn sử dụng PrEP; khám lâm sàng (phát hiện bệnh lý về thận, bệnh lây truyền qua đường tình dục) và xét nghiệm (creatinine, viêm gan B, C, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục), thử thai (nếu cần); tư vấn tuân thủ điều trị và kê đơn; lên lịch tái khám và theo dõi khách hàng.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
PrEPnhiễm HIV