Để đảm bảo an toàn giao thông thủy trong mùa bão, lũ, Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có thông báo đến các đơn vị và cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến ĐTNĐ khu vực phía Nam, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ, cần lưu ý các vấn đề sau: Khi có thông báo xả lũ hồ Trị An trên sông Đồng Nai và hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, các phương tiện khi lưu thông cần phải có biện pháp đề phòng lưu tốc dòng chảy lớn. Khi có thông báo mực nước báo động 1 tại Tân Châu +3,50m và mực nước tại Châu Đốc +3,0m trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu cần chú ý các khu vực nước xoáy, khu vực sạt lở,... các phương tiện tham gia giao thông cần chú ý để có biện pháp phòng, tránh. Phương tiện khi lưu thông cần chú ý cẩn thận và phải có biện pháp khống chế lực hút ở các cửa kinh ngang nối kinh Rạch Giá, Hà Tiên và kinh Ông Hiển, Tà Niên đổ ra biển, các cửa thoát lũ từ sông Hậu vào khu vực Tứ giác Long Xuyên và cửa sông Tiền thoát lũ qua khu vực Đồng Tháp Mười, nhất là khi nước ròng. Trong trường hợp phương tiện đang trên đường hành trình mà có bão, lũ thuyền trưởng hoặc người điều khiển phương tiện phải căn cứ tình trạng kỹ thuật của phương tiện và diễn biến bão, lũ để có biện pháp đảm bảo cho phương tiện đến nơi giao, nhận hàng an toàn. Ngoài ra, khi mực nước trong nội đồng các khu vực lũ vùng ĐBSCL dâng cao khó phân biệt bờ sông, làm ngập các tuyến đường bộ, cần cảnh báo việc đi lại của nhân dân trong vùng lũ khi sử dụng đường thủy; đồng thời chú ý các đăng, đáy cá, chướng ngại vật đột xuất trên vùng ngập lũ, cũng như trên sông...
Nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại đáng tiếc xảy ra cho người và tài sản, ông Đồng Hữu Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Nam, yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đối với các lực lượng tham gia giao thông thủy, khi hành trình trong vùng ngập lũ hoặc trên các tuyến sông, rạch cần tìm hiểu tình hình chướng ngại vật và định vị được tuyến luồng mới được phép lưu thông. Đối với phương tiện thủy chở khách như: bến đò dọc, phà và bến khách ngang sông thì phương tiện đưa vào hoạt động phải được đăng ký, đăng kiểm và hoạt động phù hợp với cấp tuyến đường theo quy định của đăng kiểm. Ngoài việc thực hiện đưa tàu vào kiểm tra kỹ thuật định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu thuyền trưởng kiểm tra kỹ thuật của tàu trước mỗi chuyến. Tuyệt đối không điều động tàu rời cảng, bến khi có yếu tố thời tiết không cho phép và tuân thủ theo sự điều động của Cảng vụ ĐTNĐ (Ban Quản lý cảng, bến thủy nội địa) tại cảng, bến thủy nội địa (BTNĐ). Bố trí thuyền viên, người lái có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; không được chở vượt quá số lượng hành khách theo quy định; hướng dẫn hành khách ngồi đúng vị trí và chấp hành nội quy đi tàu là mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy định trong thời gian hành trình của phương tiện. Đối với tàu khách hoạt động theo tuyến cố định, ngoài việc thực hiện các quy định trên, cần phải lập danh sách hành khách cho mỗi chuyến đi; đón trả khách tại những cảng, BTNĐ đã được cấp phép hoạt động; nghiêm cấm các hành vi tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông thủy, tạo sóng làm ảnh hưởng đến các công trình ven sông, phương tiện khác đang lưu thông trên tuyến. Ngoài ra, tàu khách tốc độ cao cần tuân thủ theo đúng Thông tư số 14/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu cao tốc theo tuyến vận tải đường thủy cố định giữa các cảng, bến thuộc nội thủy Việt Nam. Đối với các chủ công trình, sắp xếp lại các đăng, đáy cá, vó cá, bè cá... hay các thiết bị đánh bắt thủy sản khác không làm ảnh hưởng đến luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ luồng, phải có báo hiệu ban ngày và ban đêm để các phương tiện phòng, tránh. Đối với bến khách ngang sông, bến đò: thường xuyên kiểm tra luồng ra vào bến, cầu dẫn lên xuống bến an toàn, kiểm tra hệ thống báo hiệu, hệ thống neo buộc phương tiện...
Vì tính chất phức tạp và nguy hiểm khi lưu thông trong mùa bão, lũ, vùng ngập lụt, Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Nam đề nghị các Sở GTVT, các địa phương hết sức lưu tâm, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận chuyển hành khách trên ĐTNĐ. Các sở ngành, địa phương rà soát, thống kê tình hình hoạt động tàu khách tốc độ cao hiện đang hoạt động trên địa bàn quản lý, gởi về Chi cục ĐTNĐ phía Nam trước ngày 31-12-2013.
TRẦN VŨ TRỌNG