21/05/2023 - 12:49

Phước Đức cổ miếu ở Thạnh Trị, Sóc Trăng 

Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều

Phước Ðức cổ miếu được người dân địa phương gọi là chùa Ông Bổn, tọa lạc tại ấp 1, quốc lộ 1A, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ngôi miếu có tuổi đời trên trăm năm và đã được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Phước Đức cổ miếu.

Phước Ðức cổ miếu được cộng đồng người Hoa ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng xây dựng vào năm 1903, với tổng thể kiến trúc hình chữ Phú - tượng trưng cho sự ấm no, phú quý. Ban đầu chùa chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, đến năm 2007 ngôi chùa xuống cấp nghiêm trọng nên Ban trị sự mới trùng tu lại khang trang như ngày nay.

Phước Ðức cổ miếu gồm cổng tam quan, gian chính điện, đông lang, tây lang, hậu điện… Cổng chùa được sơn màu đỏ thẫm, điểm xuyết những đường chỉ, hoa văn màu xanh, trắng nổi bật. Cổng chính của chùa luôn đóng, chỉ mở vào những ngày chùa có lễ hội. Ngày thường, người ta ra vào bằng hai cổng phụ. Các cổng này có mái ngói hình thuyền viền tam cấp, được lợp bằng ngói ống và viền mái làm bằng gốm men xanh, ở các đầu mái viền nhiều hoa văn. Trên mái nóc có điêu khắc tượng lưỡng long chầu nguyệt - mô típ trang trí quen thuộc trên các mái nóc đình chùa Nam Bộ.

Ở dưới mái nóc của cổng chính có dòng chữ Phước Ðức cổ miếu; hai hàng cột hai bên có cặp câu đối hàm ý ca ngợi công lao của các vị thần đã che chở, phù hộ cộng đồng có cuộc sống yên ổn, trường tồn và phồn vinh. Cổng phụ bên trái (nhìn từ ngoài vào) có tấm biển ghi "Tả tiến phong niên" (thịnh vượng cả năm), cổng phụ bên phải có tấm biển ghi "Hữu thông tế nẫm" (quanh năm được mùa). "Từ cổng chùa đi vào 15 mét là bàn thờ ông Thiên được đặt ngoài trời trên đó lư hương bằng đá khắc 3 chữ Thiên địa lư có niên đại 114 năm (năm 1903-2007) từ khi chùa mới thành lập đến nay. Và biểu tượng nón lá úp bên trong có lư hương là bàn thờ Nam Tào và Bắc Ðẩu. Kế bên là bàn thờ Thiên Ðịa Phụ Mẫu"(1).

Phía sau cổng chùa là một khoảng sân rộng, thoáng đãng. Sau khoảng sân này là ngôi chính điện thờ Ông Bổn. Ngôi chính điện lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc được vát cong hình thuyền, trên đó có tượng lưỡng long tranh châu, cùng nhiều hoa văn, họa tiết trang trí khác: hoa, điểu, quả hồ lô… với nhiều màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng rất tươi mới và rực rỡ. Phía trước ngôi thờ này là tượng của cặp kỳ lân đá ở hai bên như là sự trấn giữ không cho tà khí xâm nhập, gọi là "Nhị lân quản ngõ". Hai bên vách chùa ở phía trước có đắp nổi hai chữ Phúc Ðức. Ngoài ra, trên vách trái (nhìn từ ngoài vào) ở mặt trước ngôi chính điện có vẽ hình con voi trắng, với chữ "Bảo ngã lê dân" và vách bên phải là hình vẽ sư tử, với chữ "Thánh đức uy linh". Hai bên của ngôi chính điện còn có hai công trình phụ được xây liền kề, đó là đông lang và tây lang - nơi dùng để nghỉ ngơi cho khách phương xa đến viếng chùa, cũng như làm nơi hội họp, chuẩn bị lễ vật để cúng kiếng mỗi dịp lễ hội.

Nổi bật trong gian chính điện là hàng loạt câu đối đỏ được khắc trên những hàng cột cũng được sơn màu đỏ, càng làm cho nội điện thêm trang nghiêm. Cửa chùa được kết cấu theo dạng hai cánh, mỗi cánh có hình vẽ hai vị môn thần canh giữ và bảo vệ cho ngôi chùa. Tương truyền, hai vị thần này chính là Ngụy Trưng và Tần Thúc Bảo. "Với diện tích sàn gần 200m2, nội thất Phước Ðức cổ miếu được xây dựng theo kiến trúc người Hoa xưa, bên trong chánh điện được xây dựng theo kiến trúc Nhất khẩu điền, toàn cảnh chánh điện thì theo chữ Phú với ý nghĩa Phước Phúc Phú Quý. Ðặc biệt ngôi chùa còn được giữ nguyên lớp ngói âm dương và rèm mái được lợp bằng gốm sứ nung. Ðồng thời được phân kim tam cấp tạo thành tiền điện, trung điện và chánh điện. Ở khoảng trống hai bên trung điện có hai thiên tĩnh xây theo hình bán nguyệt và được đắp nổi hai phù điêu lớn bằng xi măng: Tả thanh long, Hữu bạch hổ đúng theo thế phong thủy"(2). Mục đích của giếng trời này là để âm dương giao hòa, kết nối trời đất, để khói nhang thoát ra ngoài và lấy ánh sáng cho hậu cung của nội điện.

Trong chính điện, toàn bộ khung cột đều được làm bằng gỗ quý, các linh thú, hoa văn trên khánh thờ đều được chạm khắc rất tinh xảo. Gian giữa là bàn thờ chính thờ tượng Phước Ðức chính thần hay còn gọi là Ông Bổn, với tư thế ngồi trên ghế, mặc áo giáp, đầu đội mão, sơn son thếp vàng, tay phải cầm thanh kiếm, tay trái để lên đầu gối, mắt hướng về phía trước rất uy nghiêm. Ở Phước Ðức cổ miếu, Ông Bổn chính là Trịnh Hòa - nhà hàng hải nổi tiếng của người Hoa ở Ðông Nam Á(3).

Bên trái bàn thờ Ông Bổn (nhìn từ trong ra) là bàn thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị thần biển chuyên cứu độ những ngư dân mỗi khi họ gặp sóng to gió lớn, cũng như phù hộ những người làm ăn buôn bán bằng ghe thuyền được bình an, đi đến nơi về đến chốn. Tượng Bà được tạc với tư thế uy nghi, gương mặt phúc hậu. Cạnh Bà là hai vị Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ để hầu cận và trợ giúp Bà. Cạnh tượng Bà trên vách có đắp nổi phù điêu Bà đang cứu độ chúng sinh trên biển. Bên phải bàn thờ Ông Bổn là bàn thờ của Quan Thánh Ðế Quân - vị thần tượng trưng cho trung hiếu tiết nghĩa. Tượng Quan Công ở đây được tạc với tư thế ngồi, trang phục võ tướng, mặt đỏ, râu năm chòm, tay phải cầm cây Thanh Long đao, cùng với Quan Bình và Châu Xương hầu cận hai bên.

Tất cả các tượng thờ đều có niên đại trăm năm. Bên cạnh các tượng thờ còn có những bức hoành phi được làm bằng gỗ quý, sơn màu đen khắc chữ cổ, sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo, với các đề tài như: cá hóa long, tam giới cộng đồng, phúc lộc thọ hay chiếc chuông đồng có niên đại trên 100 năm.

Phước Ðức cổ miếu có nhiều ngày cúng trong năm: ngày 15 tháng Giêng âm lịch là ngày cúng Nguyên tiêu, ngày 23 tháng 3 âm lịch là ngày vía Bà Thiên Hậu, ngày 29 tháng 3 là ngày vía Phước Ðức chính thần (tức Ông Bổn), ngày 24 tháng 6 âm lịch là ngày vía Quan Công, ngày 2 tháng 10 âm lịch là ngày cúng Tiền Hiền - Hậu Hiền, ngày 12 tháng 12 âm lịch là ngày cúng Tất niên. Trong các ngày cúng đó, lớn nhất là ngày vía Ông Bổn, người dân từ mọi nơi đến viếng chùa và lễ bái rất đông. Ðặc biệt, không chỉ có đông đảo bà con người Hoa từ các tỉnh, thành Nam Bộ đến dự mà còn có cả bà con người Việt và người Khmer đến dự lễ và cúng Ông nữa. Ðiều này đã minh chứng cho sự cộng cư, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer ở Nam Bộ nói chung, ở Thạnh Trị - Sóc Trăng nói riêng.

------------------

(1) Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, "Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa Phước Đức cổ miếu (chùa Ông Bổn)", tr.3-4.

(2) Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, Tlđd, tr.4.

(3) Nguyễn Thị Nguyệt (2016), "Văn hóa tín ngưỡng dân gian người Hoa Đồng Nai", NXB Mỹ Thuật, tr.118.

 

Chia sẻ bài viết