30/07/2019 - 07:47

Phát triển Trung tâm Logistics hạng II tại Cần Thơ

Phục vụ đắc lực nhu cầu lưu thông hàng hóa vùng ÐBSCL 

Sở Công thương TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về việc lập Quy hoạch tổng thể mặt bằng trung tâm Logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ÐBSCL tại TP Cần Thơ (Quy hoạch). Ðã có nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển trung tâm logistics phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, xuất nhập khẩu của vùng ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Hàng hóa cập Cảng Tân Cảng- Cái Cui.

Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-7-2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực Tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL có một Trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 30ha đến năm 2020 và trên 70ha đến năm 2030. Phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).

Tiếp đó, Chính phủ ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg (năm 2016) về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 200/QĐ-TTg (năm 2017) về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Từ những căn cứ này và cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn, TP Cần Thơ đã đề xuất Bộ Công thương đưa cụm Cảng Cái Cui vào quy hoạch. Thành phố đã có văn bản gửi Bộ Công thương về việc mở rộng quy mô khu logistics của thành phố từ 74ha lên 242ha. Đến tháng 4-2017, Bộ Công thương đã có văn bản đồng ý với ý kiến của Cần Thơ và giao UBND thành phố căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo dự thảo Quy hoạch, khu vực Quy hoạch thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, với diện tích 242,2ha, với phía Đông Bắc giáp sông Hậu và cảng Cái Cui; phía Tây Nam giáp đường Võ Nguyên Giáp, kênh Ba Dầu; phía Đông Nam giáp rạch Cái Cui, phía Tây Bắc giáp rạch Bến Bạ. Các chức năng chính của khu quy hoạch gồm: khu điều hành-dịch vụ, khu chuyên gia và tái định cư, khu hệ thống kho, khu bãi container-CFS (cảng), khu kỹ thuật. Ông Nguyễn Thanh Tại, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (đơn vị tư vấn), Sở Xây dựng, cho biết: “Quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Đồng thời, xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (khu vực quy hoạch) làm cơ sở pháp lý lập dự án đầu tư xây dựng tiếp theo; định hướng phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan phù hợp với định hướng phát triển logistics cả nước”.

Theo đó, khu điều hành-dịch vụ có diện tích 5,18ha; các công trình điều hành và dịch vụ bố trí dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, bao gồm: nhà điều hành Trung tâm Logistics, dịch vụ hải quan, kiểm hàng, ngân hàng, bảo hiểm... Kho ngoại quan quy mô 38,8ha với chức năng là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Kho hàng thường với diện tích 27,76ha với các kho cho thuê mục đích lưu trữ hàng hóa xuất nhập khẩu và tăng giá trị hàng hóa. Kho CFS tổng hợp-bãi container CFS hàng với chức năng địa điểm thu gom hàng lẻ là khu vực kho, bãi dùng để thực hiện các hoạt động thu gom, chia tách hàng hóa của nhiều chủ hàng vận chuyển chung container…

Theo nhận định từ các chuyên gia, Trung tâm Logistics hạng II tại Cần Thơ là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL hiện nay. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Đa số hàng hóa của vùng ĐBSCL phải chuyển lên Cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Nếu tính từ TP Cần Thơ vận chuyển bằng đường thủy, bộ chi phí sẽ tăng thêm 10 USD/tấn hàng. Do đó, giá thành sẽ tăng và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Nếu Trung tâm Logistics hạng II tại Cần Thơ được hình thành và đi vào hoạt động, những nút thắt nói trên sẽ căn bản được tháo gỡ”. Khu vực quy hoạch có hệ thống giao thông thủy thuận lợi do các mặt tiếp giáp với sông Hậu có nước ngọt quanh năm, tách biệt khu dân cư. Khu vực tiếp đất đã giải phóng mặt bằng một phần, gần trục đường chính Võ Nguyên Giáp nên thuận lợi cho các hoạt động logistics. Hơn nữa, khu vực này có nguồn nhân lực dồi dào từ các địa phương lân cận rất dễ trong khâu tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Cảng Cần Thơ, Giám đốc Cảng Cái Cui, quá trình đầu tư Trung tâm Logistics cần tính đến vấn đề “đầu vào” và “đầu ra”; chú trọng đến các khâu chế biến, bao bì, đóng gói sản phẩm... Đồng thời, đầu tư đa dạng hóa phương thức vận thức vận tải (hàng không, đường biển) chứ không nên tập trung vào xe container để phù hợp với nhiều loại hàng hóa khác nhau. 

Theo đơn vị tư vấn, giả thuyết lượng hàng hóa thông qua Trung tâm Logistics đến năm 2020 vùng ĐBSCL khoảng 25-28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 từ 66,5-71,5 triệu tấn/năm. Do đó, vùng ĐBSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics cả về đầu tư hạ tầng logistics cũng như phát triển các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, Quy hoạch cần đưa ra kịch bản dự báo hàng hóa thông qua Trung tâm Logistics và bổ sung phương thức vận tải, khả năng hỗ trợ của cảng biển, cảng hàng không, đường sắt với hệ thống khu công nghiệp đến khu logistics. Đồng thời, xác định phân kỳ đầu tư, số vốn ước tính đầu tư; nghiên cứu thêm nội dung tiêu chí quy hoạch, chức năng trung tâm logistics hạng II. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cần làm rõ vấn đề về giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư; tách riêng khu chuyên gia và tái định cư với các khu sản xuất, cảng để giải quyết các vấn đề về tiếng ồn, ô nhiễm môi trường…

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, cho rằng, để thu hút nhà đầu tư, thành phố cần có những chính sách, chế độ ưu đãi khi đầu tư vào đây. Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã yêu cầu giám định chất lượng. Vì vậy, Trung tâm Logistics cần bố trí các khu vực giám định hoặc liên kết giám định để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết