Các chuyên gia Singapore cho biết cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất đối với chị em là tầm soát các bệnh lý có nguy cơ cao, theo từng độ tuổi.
Ảnh: Healthline
Ðộ tuổi 20
Tiến sĩ Chan Wan Xian - bác sĩ tim mạch ở Bệnh viện Gleneagles (Singapore) - cho biết nhiều bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và tăng lipid máu thường diễn tiến thầm lặng. Vì thế, phụ nữ độ tuổi 20 vẫn nên đo đường huyết, lượng cholesterol và huyết áp, đặc biệt là nếu có bệnh sử gia đình về tiểu đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu và các vấn đề về tim mạch. Còn Tiến sĩ Andrew Lee - bác sĩ phẫu thuật tổng quát ở Bệnh viện Gleneagles, thì cho rằng đối tượng này có thể tạm hoãn siêu âm vú và chụp nhũ ảnh vì nguy cơ khởi phát ung thư vú là “cực hiếm” ở tuổi này.
Những xét nghiệm cần làm:
1. Xét nghiệm máu. Mục đích là tầm soát tiểu đường và tăng lipid máu, với mức đường huyết và cholesterol lành mạnh khi đói gồm:
+ Mức glucose: Dưới 6,1 mmol/L.
+ Cholesterol toàn phần từ 200 mg/dL trở xuống; Triglyceride dưới 149mg/dL; Cholesterol “xấu” LDL dưới 100mg/dL, Cholesterol “tốt” HDL từ 50 mg/dL trở lên.
Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng giúp kiểm tra hoạt động của gan, thận và tuyến giáp, xác định nguy cơ thiếu máu hoặc lượng hemoglobin thấp, cũng như tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
2. Kiểm tra huyết áp. Phương pháp này giúp tầm soát chứng tăng huyết áp (chỉ số dhuyết áp lành mạnh là dưới 130/80mmHg).
3. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear). Ung thư cổ tử cung do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Pap smear có thể giúp phát hiện ra các tế bào tiền ung thư do HPV gây ra, cũng như tầm soát nhiễm trùng nấm hoặc vi khuẩn. Phụ nữ từ 25 tuổi hoặc có sinh hoạt tình dục sớm hơn nên làm xét nghiệm này.
4. Xét nghiệm nước tiểu. Mục đích là kiểm tra máu, prôtêin và nhiễm trùng, hoặc dùng nhận diện các bệnh lý liên quan đến thận.
5. Kiểm tra tuyến giáp. Một xét nghiệm máu đơn giản giúp phát hiện lượng hoóc-môn tuyến giáp thấp/cao bất thường, qua đó lý giải các triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, thay đổi thói quen đi tiêu, nhạy cảm với nhiệt độ hoặc rối loạn kinh nguyệt. Chỉ số tuyến giáp bình thường là 0,5 - 4,1mU/L.
Ðộ tuổi 30
Tiến sĩ Susan Logan tại Bệnh viện Ðại học Quốc gia Singapore cho biết do đây là độ tuổi sinh sản, nên việc kiểm tra sức khỏe ở giai đoạn này thường nhằm tối đa hóa khả năng làm mẹ. Các cuộc kiểm tra trước khi thụ thai có thể gồm xét nghiệm hoóc-môn nữ để đánh giá xem nồng độ các nội tiết tố có tối ưu hay không. Chị em cũng có thể kiểm tra virus lây truyền qua đường máu, chức năng tuyến giáp, dự trữ buồng trứng và bệnh tan máu bẩm sinh.
Những xét nghiệm cần làm:
1. Xét nghiệm máu. Ngoài giúp kiểm tra mức cholesterol, xét nghiệm máu ở độ tuổi 30 còn nhằm kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, hội chứng buồng trứng đa nang và tiểu đường thai kỳ, đặc biệt nếu có sẵn bệnh sử gia đình.
2. Xét nghiệm HPV. Xét nghiệm HPV có thể cho biết sự hiện diện của 2 chủng HPV gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
3. Chụp nhũ ảnh. Những phụ nữ có người thân mắc ung thư vú được khuyến nghị bắt đầu chụp nhũ ảnh sớm hơn 5 năm so với tuổi chẩn đoán sớm nhất ở một thành viên gia đình.
4. Kiểm tra chức năng gan. Hãy chú ý đến các triệu chứng cảnh báo chức năng gan có vấn đề như vàng da, hoặc nguy cơ mắc viêm gan B bẩm sinh.
Giống như giai đoạn 20 tuổi, phụ nữ độ tuổi 30 cũng cần kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, Pap smear và kiểm tra tuyến giáp.
Ðộ tuổi 40
Ở độ tuổi này, những con số không nên tăng - như cân nặng, mức cholesterol và glucose, huyết áp - sẽ bắt đầu tăng và dẫn đến các vấn đề như tiểu đường và tăng huyết áp. Do tiếp xúc nhiều với estrogen nên phụ nữ tuổi tứ tuần cũng có nguy cơ cao mắc ung thư vú.
Những xét nghiệm cần làm:
1. Kiểm tra huyết áp. Nếu số đo huyết áp liên tục tăng (mức bình thường đối với nhóm tuổi này là dưới 140/90mmHg), chị em cần điều chỉnh lối sống hằng ngày - bao gồm vận động nhiều hơn, giảm cân và giảm ăn mặn. Nếu không ổn thì cần dùng thuốc.
2. Chụp nhũ ảnh. Ngoài tự kiểm tra vú thường xuyên, phụ nữ tuổi 40 cần chụp X-quang tuyến vú hằng năm.
3. Xét nghiệm phân. Xét nghiệm này kiểm tra máu trong phân, nhằm theo dõi một số vấn đề tiêu hóa như polyp, trĩ, loét và ung thư đại trực tràng.
4. Ðo nhãn áp. Phương pháp này kiểm tra bệnh tăng nhãn áp. Theo đó, chỉ số cao hơn ngưỡng bình thường (10mmHg-21mmHg) có nghĩa là dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
5. Siêu âm tuyến giáp. Phương pháp này có thể phát hiện những gì mà xét nghiệm máu bỏ sót về chức năng tuyến giáp.
6. Siêu âm vùng chậu. Bệnh lý về tử cung và buồng trứng (gồm u xơ, u nang buồng trứng và ung thư) khá phổ biến ở phụ nữ độ tuổi 40. Siêu âm vùng chậu giúp cung cấp một cái nhìn tổng quan để loại trừ những bệnh lý này.
7. Kiểm tra mật độ xương. Loãng xương dẫn đến gãy xương là nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong ở phụ nữ lớn tuổi. Do đó, phụ nữ tuổi 40 cần định kỳ kiểm tra mật độ xương.
Ngoài ra, phụ nữ độ tuổi tứ tuần cũng cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu, HPV và Pap smear.
AN NHIÊN (Theo CNA)