10/09/2014 - 20:16

“TÔI KÉO XE”

Phu kéo xe và nỗi tủi nhục một thời

“Tôi kéo xe” là thiên phóng sự của cố nhà báo Tam Lang, được viết vào năm 1932 đăng trên “Hà Thành Ngọ Báo”, phản ánh sự vất vả, tủi nhục của người phu kéo xe. Tác phẩm được in thành sách vào năm 1935 và 1969, được xếp vào hàng “Việt Nam danh tác”. NXB Hội Nhà văn phối hợp với Công ty Nhã Nam tái bản năm 2014.

 

Tam Lang (1900 – 1986) tên thật là Vũ Đình Chí, sinh tại Hà Nội, là một trong những nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông cùng với Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng là “ba chàng họ Vũ” nổi danh làng báo thời tiền chiến.

82 năm đã trôi qua kể từ khi thiên phóng sự ra đời, xã hội đã trải qua bao thăng trầm, biến đổi; các thể loại văn chương, báo chí cũng không ngừng phát triển, đổi mới nhưng đọc lại “Tôi kéo xe”, vẫn thấy vẹn nguyên giá trị từ hình thức đến nội dung, vẫn là một tác phẩm mẫu mực cho thể loại phóng sự dài kỳ trong làng báo chí.

Trong vai một người thất nghiệp đi xin việc, tác giả đã gia nhập vào đội ngũ phu kéo xe ở Hà Nội. Càng dấn thân vào nghề, nếm trải những vất vả khổ cực; tủi nhục của kiếp “ngựa người” và tiếp xúc với đủ hạng phu kéo, cai xe, khách đi xe… tác giả càng cảm thương cho những người bần cùng phải đem thân người làm thay trâu ngựa để kiếm miếng cơm sống qua ngày. 20 chương của “Tôi kéo xe” lôi cuốn người đọc bởi sự hòa hợp giữa tính chân thực của báo chí và vẻ đẹp ngôn từ của văn chương.

Tác giả dẫn dắt độc giả đi từ những trải nghiệm thực tế của bản thân đến những số phận, hoàn cảnh éo le của các phu xe mà ông tiếp xúc. Đặc biệt, ông dành phân nửa thời lượng của phóng sự để trần thuật về cuộc đời của Tư S, một người hành nghề kéo xe đã 12 năm với đủ kinh nghiệm lẫn mánh khóe trong nghề. Qua đó, nhấn mạnh một điều: sự bất công của xã hội cùng sự bóc lột giữa người với người đã khiến con người bị tha hóa; là đạo đức bị đồng tiền đạp đổ. Tư S là một minh chứng điển hình. Từ con trai của một thầy đồ, Tư S bị người khác hãm hại mà nhà cửa tan nát, chịu cảnh tù tội, ra tù phải làm phu xe kiếm sống. Tuy làm việc cực khổ, anh vẫn sống trong sạch, đàng hoàng, nhưng chỉ vì dám kháng cự lại bọn cai xe tàn nhẫn mà anh bị chúng đánh đập, hành hạ dã man đến nỗi suýt bỏ mạng. Sau trận đó, anh biến thành một người khác: vừa làm phu xe, vừa làm ma cô chăn dắt gái, ăn chơi, nghiện ngập, lừa đảo… Xót xa thay khi nghe lời tâm sự của Tư S: “Thế là những việc trước kia tôi cho là khốn nạn, tôi đã dúng tay làm cả. Làm mà không hối hận. Mà hối hận cũng không có nghĩa gì” (trang 101).

Trong thời điểm bấy giờ, nhà báo Tam Lang đã có cái nhìn rất tiến bộ về nhân quyền khi cho rằng, nghề kéo xe hay “người kéo người” là một “cái nhục chung” của xã hội. Tác giả đã dành hai chương cuối để bình luận sâu về vấn đề này, đồng thời đề xuất với chính quyền thay xe người kéo bằng xe đạp ba bánh (như xích lô bây giờ). Ước nguyện của ông đã thành hiện thực khi hơn 10 năm sau đã không còn chiếc xe kéo nào. Phóng sự “Tôi kéo xe” đã góp phần thay đổi một phần của xã hội bấy giờ.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết