20/05/2010 - 21:41

Phòng, tránh thiên tai mùa mưa bão

Lực lượng dân phòng, bộ đội huyện Cờ Đỏ giúp bà con ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, dựng lại nhà sau cơn lốc xoáy ngày 1-5-2010.

Bước vào mùa mưa bão năm 2010, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ đề nghị các ngành, các cấp, bà con nhân dân khẩn trương thực hiện công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa giông, lốc xoáy, bão, lũ... gây ra trong thời gian tới.

*HẬU QUẢ TỪ THIÊN TAI

Đợt lốc xoáy ngày 1-5-2010 vừa qua ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ đã làm 6 căn nhà bị sập hoàn toàn, 7 căn nhà và phòng thư viện của Trường Tiểu học 2 thị trấn Cờ Đỏ bị tốc mái, xiêu vẹo. Những hộ gia đình bị ảnh hưởng đợt lốc xoáy này gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong việc đầu tư xây dựng lại căn nhà mới. Bà Lê Thị Lặc có nhà bị sập trong cơn lốc xoáy vừa qua ở ấp Thới Trung, thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Gia đình ít ruộng vườn, chúng tôi chỉ có căn nhà là tài sản duy nhất. Đợt gió lớn vừa qua, nhà tôi bị sập, tài sản trong nhà cũng bị hư hỏng nên chúng tôi gặp khó khi sửa chữa, dựng lại nhà mới. Nhờ sự giúp đỡ của địa phương, các ngành chức năng huyện và thành phố, gia đình tôi mới dựng lại căn nhà. Bây giờ tôi mới thấm thía được cảnh khổ sở khi nhà bị thiên tai làm sập. Trong mùa mưa bão, bà con nên cảnh giác đề phòng thiên tai để tránh rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi”. Chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng dân quân tự vệ phối hợp cùng bà con trong ấp giúp các hộ bị ảnh hưởng trong đợt lốc xoáy và Trường Tiểu học 2 thị trấn Cờ Đỏ khắc phục hậu quả.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, trong những năm gần đây tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu tác động đến nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Mưa, bão, triều cường, lốc xoáy... ngày càng diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Năm 2007, TP Cần Thơ xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm 50 căn nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái và 8 người chết (5 người bị sét đánh, 3 trẻ em chết đuối), 2 người bị thương; triều cường làm ngập 153 km đường giao thông... Sang năm 2008, thiệt hại do thiên tai xảy ra nhiều hơn so với mùa mưa, bão, lũ năm 2007. Lốc xoáy xảy ra 40 đợt ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, làm sập 54 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 200 căn; 8 người chết (trong đó sét đánh chết 2 người, 6 trẻ em chết đuối do cha mẹ bất cẩn); triều cường làm ngập nhiều tuyến đường giao thông trong nội ô TP Cần Thơ, đường giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố; hàng trăm ha hoa màu, cây ăn trái tại các địa phương bị thiệt hại nặng.

Năm 2009, TP Cần Thơ đã tập trung nhiều biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, tính mạng do thiên tai. Nhưng trong năm này, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 30 đợt lốc xoáy, làm sập 47 căn nhà, tốc mái 121 căn, 1 người bị thương do sét đánh, 2 điểm sạt lở bờ sông, 9 trụ điện bị ngã... Bà Vương Thị Lập - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2009, thiệt hại do thiên tai gây ra có giảm so với những năm trước, nhưng TP Cần Thơ vẫn còn chịu hậu quả nặng nề từ việc sập nhà do lốc xoáy, bị thương do sét đánh. Mùa mưa năm 2010 sắp đến, tình trạng mưa lớn kèm theo lốc xoáy, sét đánh... tiếp tục xảy ra và sẽ để lại hậu quả khó lường. Điển hình như cơn mưa đầu tiên ở huyện Cờ Đỏ đã xảy ra lốc xoáy làm 6 căn nhà sập, 7 căn nhà tốc mái. Từ đó, công tác phòng tránh là giải pháp hữu hiệu mà Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ kêu gọi các sở, ngành, chính quyền địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc, tránh chủ quan, lơ là với mưa, bão”.

*TẬP TRUNG PHÒNG, TRÁNH

Trước những thiệt hại do thiên tai xảy ra vào ngày 1-5-2010 ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ cũng như trong những năm trước trên địa bàn toàn thành phố, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương kịp thời huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại dựng lại nhà cửa sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, người dân bị ảnh hưởng cũng chịu nhiều mất mát, gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, công tác phòng tránh, gia cố nhà cửa trước mùa mưa, bão, lũ sẽ được triển khai đồng bộ, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là dễ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Ngày 11-5-2010, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ ban hành Công văn số 20/PCLB-TKCN về việc phòng tránh sét đánh, lốc xoáy trong mùa mưa bão năm 2010. Công văn đề nghị các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện việc khuyến cáo cộng đồng dân cư cần quan tâm đề phòng và chủ động ứng phó các loại thiên tai như: Sét đánh, mưa lớn kèm lốc xoáy...

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, giông gió, lốc xoáy... gây ra trong mùa mưa 2010, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan và nhân dân kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là ở các nơi trống trải để chằng chống, tăng độ vững chắc, nhằm hạn chế tốc mái, sập nhà khi giông gió, lốc xoáy xảy ra; thực hiện gia cố, chằng chống các trụ điện hạ thế, tiến hành phát quang cây cối dọc theo các tuyến đường dây tải điện để hạn chế việc đứt dây, ngã đổ trụ điện do gió lốc đi qua; kiểm tra, tổ chức đốn cây, chặt cành các cây trong nội ô thành phố, thị trấn có nguy cơ gió lốc làm gãy đổ nhằm tránh gây thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương phải dự trù sẵn sàng những điểm an toàn để sơ tán nhân dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi những nơi nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, sự cố...

Đối với việc phòng tránh sét đánh trong mùa mưa, bà con đi làm đồng khi thấy có hiện tượng mưa giông thì tránh tình trạng ẩn nấp dưới tàn cây cao ở giữa đồng, không cầm cuốc, xẻng, dao... ở ngoài đồng trống khi có mưa; tạm ngưng lưu thông trên đường giao thông bằng phương tiện cơ giới khi có mưa, giông; không trú ẩn ở chòi tranh, chòi chăn vịt ngoài đồng. Những năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có những trường hợp bị sét đánh do trú mưa ở chòi tranh ngoài đồng trống...

Bà Vương Thị Lập - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Ban chỉ huy các cấp, các sở ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các ngành và địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết