21/11/2019 - 11:23

Phòng tránh, giảm thiểu ô nhiễm không khí 

Ô nhiễm không khí (ÔNKK) gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe con người và sinh vật. Gần đây, ÔNKK tại một số đô thị lớn như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức báo động. Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, TP Cần Thơ chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu ÔNKK trên địa bàn thành phố…

Vẫn ở ngưỡng an toàn

Vừa qua, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện thu thập số liệu về ÔNKK trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2018. Kết quả sơ bộ cho thấy, tình hình chất lượng không khí của TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2018 vẫn nằm trong tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn trung bình năm ở mức 50,2-51,5µg/m3/năm, vượt tiêu chuẩn về chất lượng không khí của WHO (50µg/m3/năm) nhưng vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

Ông Đặng Ngọc Chánh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe và Môi trường, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Năm 2015 và 2018, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình năm của TP Cần Thơ vượt ngưỡng cho phép nhưng không đáng kể. Song, điều này cho thấy, chất lượng không khí của thành phố bắt đầu có xu hướng vượt ngưỡng an toàn và có thể tác động không tốt đến sức khỏe của một số nhóm đối tượng nhạy cảm như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…

Qua khảo sát, hoạt động giao thông vận tải, các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và hoạt động xây dựng là những nguồn chính gây ÔNKK ở TP Cần Thơ. Thành phố đang trên đà phát triển kéo theo số lượng phương tiện giao thông vận tải lưu hành trong đô thị càng tăng nhanh. Đây là áp lực rất lớn đối với môi trường không khí đô thị. Một đặc trưng của các đô thị Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng là phương tiện giao thông cơ giới 2 bánh chiếm tỷ trọng lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, ÔNKK ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Quá trình đốt nhiên liệu động cơ tạo ra các chất khí độc hại làm ảnh hưởng đến không khí như: CO2, CO, SO2, NOx, Pb, CH4… Quá trình đô thị hóa của TP Cần Thơ diễn ra với tốc độ cao, có nhiều công trình xây dựng đang hoạt động phát sinh rất nhiều bụi, bao gồm cả bụi nặng và bụi lơ lửng, tác động đến môi trường không khí đô thị. Bên cạnh đó, hoạt động của các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thải khí thải vào không khí, là một trong những tác nhân gây ÔNKK đáng quan tâm. Ngoài ra, trong hoạt động nông nghiệp, nhiều nông dân vẫn còn thói quen đốt rơm rạ, phát thải một lượng lớn bụi mịn vào không khí…

Chủ động 

Theo ông Hồ Hữu Tính, Phó Trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh, ÔNKK vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người. Tác động của ÔNKK đối với sức khỏe con người đang ngày càng được quan tâm khi các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa một số bệnh nghiêm trọng giữa các nhóm tuổi khác nhau và ÔNKK.

Thời gian qua, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu ÔNKK trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Sở đã và đang phối hợp chặt với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ÔNKK đối với sức khỏe con người và môi trường. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; phát động phong trào sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm thiểu nguồn gây ÔNKK… Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ÔNKK. Thực hiện đầu tư, lắp đặt, vận hành, kết nối hệ thống truyền số liệu quan trắc không khí, khí thải tự động, liên tục từ khu đô thị, cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn để phục vụ công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên địa bàn thành phố…

Tháng 4-2019, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 1014/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động Không khí sạch TP Cần Thơ đến năm 2025. Theo đó, Kế hoạch xác định các hoạt động và giải pháp giảm thiểu phát thải từ các nguồn trong và ngoài ranh giới TP Cần Thơ. Đồng thời, nêu rõ chi tiết các hoạt động và các giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu và kiểm soát phát thải tại TP Cần Thơ; cung cấp định hướng và các kế hoạch cho các cơ quan quản lý và các bên liên quan nhằm cải thiện chất lượng không khí. Chẳng hạn, đề xuất tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thay thế xe máy và ô tô cá nhân; cấm đốt rơm rạ sau thu hoạch… Các giải pháp cụ thể của kế hoạch này không chỉ cải thiện chất lượng không khí ở thành phố mà còn đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Ông Đặng Ngọc Chánh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe và Môi trường, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Đối với Cần Thơ, chất lượng không khí vẫn ở mức an toàn và còn nhiều cơ hội để không theo bước chân của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để phòng ngừa, giảm thiểu ÔNKK, TP Cần Thơ cần có kế hoạch tổng thể với sự tham gia của các sở, ban ngành. Chẳng hạn, trong hoạt động giao thông, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phương tiện hoạt động, phân luồng giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng… Đồng thời quy hoạch các khu công nghiệp cách xa trung tâm thành phố và ưu tiên phát triển công nghiệp xanh. Về xây dựng, thành phố thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn, tránh gây phát tán bụi, chất thải ra môi trường… Thành phố cần có kế hoạch chiến lược về quan trắc không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về chất lượng không khí trên địa bàn. Đồng thời, mở rộng các điểm quan trắc tự động, nhất là những nơi tập trung dân cư đông đúc, khu công nghiệp, trục giao thông chính…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết