01/05/2018 - 10:05

Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời khi xảy ra cháy nổ 

Trong tháng 3 và đầu tháng 4 - 2018, một số địa phương trong nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản. Cả nước năm 2017 xảy ra 1.074 vụ cháy làm chết 105 và thương tích 228 người. Quý I năm 2018 xảy ra 1.074 vụ cháy làm chết và thương tích 74 người. Tình hình trên cho thấy cháy nổ vẫn diễn ra và rất phức tạp và nếu từng địa phương, hộ gia đình không có biện pháp tích cực, xử lý, khắc phục kịp thời thì không thể ngăn chặn thảm họa do “bà hỏa” đem lại.

Nhiều nguyên nhân

Qua tổng hợp thông tin về công tác kiểm tra ở một số vụ cháy lớn vừa qua, có một số vấn đề tồn tại nổi lên như: Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) không có hoặc bị xuống cấp; diện tích chung cư bị cơi nới bằng các vật liệu dễ cháy; hành lang thoát hiểm bị chiếm dụng chứa đồ đạc che khuất hệ thống chữa cháy, cản trở phần đường xe ra vào chữa cháy, đặt bếp nấu ăn hoặc biến thành nơi giữ xe; dây điện chằng chịt câu nối thiếu an toàn, có nhiều căn hộ làm thêm lưới sắt ở ban công phía sau cửa thoát hiểm; đường thang thoát hiểm không an toàn vì hệ thống thông gió không hoạt động. Nếu có sự cố, người trong nhà khó thoát ra ngoài và lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường. Nhiều trường hợp bị chạm chập điện xảy ra cháy, (số vụ cháy do chập điện chiếm 70% tổng số vụ cháy). Hệ thống điện, hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy, cảnh báo sự cố, hệ thống cấp nước, máy bơm điện bị hư, đèn chiếu sáng, biển chỉ dẫn thoát nạn không hoạt động..., nhiều nơi thực hiện với mục đích đối phó; bình chữa cháy không có hoặc đã cũ, hết hạn, phương tiện không được bảo dưỡng thường xuyên. Có công trình cầu thang thoát nạn dẫn thẳng xuống tầng hầm mà không dẫn ra ngoài theo quy định, nhiều công trình thiếu trụ nước chữa cháy ngoài nhà, thiếu trang thiết bị cần phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Có tòa nhà thay đổi so với thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến việc chống cháy lan, thoát nạn, cứu hộ khi có sự cố. Trách nhiệm, chất lượng đội dân phòng, đội phòng cháy chữa cháy ở một số nơi chưa cao. Trong đó, có chung cư xây dựng từ năm 2000 mà chưa được Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế, nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn dẫn đến cháy nổ bất cứ lúc nào. . .

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 1 tổ chức phương án thực tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Bệnh viện Tim Mạch Cần Thơ. Ảnh: THÙY TRANG

Hàng loạt tồn tại trong công tác phòng cháy và chữa cháy nêu trên trong thời gian qua cho thấy,  nếu không có biện pháp tích cực xử lý, khắc phục kịp thời thì không thể ngăn chặn thảm họa do “bà hỏa” gây ra, bởi nó không từ một ai, dù bất cứ thời gian, không gian nào.  

Cần chủ động phòng chống cháy, nổ

Cảnh sát PCCC Công an Cần Thơ được thành lập rất sớm, 1-8-1975. Quá trình xây dựng, phát triển đã xử lý hàng trăm vụ cháy - nổ.  Là lực lượng được trưởng thành trong thực tiễn, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ từ cấp Phòng khi mới thành lập đến cấp Sở; công tác tổ chức, xây dựng lực lượng và đơn vị càng chính quy, quy mô tổ chức biên chế phát triển nhanh, hoạt động có nền nếp và ngày càng ổn định, tinh thần “chiến đấu” xả thân với “giặc lửa” cũng được chứng minh, nội bộ đoàn kết, chung tay góp sức tốt,  công tác diễn tập PCCC được chú ý, một số trang thiết bị phương tiện khá hiện đại... Từ đó, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng càng phải nỗ lực làm tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ, chủ động và kịp thời ngăn chặn có hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra. Cụ thể:

Thứ nhất, phải làm cho mọi cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC nắm vững hơn nữa nhiệm vụ, chức năng quyền hạn theo Luật Phòng cháy và Chữa cháy 2001. Đặc biệt đề cao tinh thần dũng cảm, xả thân trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Trong đó, phải làm thật tốt công tác “phòng cháy”. Đây cũng là một trong những chức năng chủ yếu của lực lượng PCCC. Phòng để chống cháy nổ là tối ưu nhất, cơ bản nhất, là trách nhiệm chung của xã hội. Chỉ có giải pháp này mới có thể loại trừ các yếu tố và điều kiện dẫn đến cháy nổ. Muốn vậy phải tăng cường tuyên truyền PCCC, tập huấn về cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Đồng thời phải rút kinh nghiệm nghiêm túc tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan đối với các vụ cháy vừa qua trên địa bàn thành phố. 

Thứ hai, đi đôi với việc phòng, phải tích cực thanh tra, kiểm tra, và xử lý vi phạm thật nghiêm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 63 Luật PCCC 2001 về xử lý vi phạm). Có như vậy mới đủ sức răn đe. Đồng thời phải nâng cao chất lượng diễn tập. Khi nói đến công tác diễn tập phòng chống cháy nổ, gần như nơi nào cũng làm tốt. Nhất là các khu chung cư cao tầng hằng năm đều có diễn tập, nhưng khi xảy ra cháy nổ thật thì rất lúng túng khi xử lý tình huống. Công tác kiểm tra và quản lý phải đi đôi, cần chú ý quản lý chặt các chất dễ cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị dụng cụ sinh lửa. Vấn đề thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra, cấp phép phải thật sự công tâm, khách quan, có trách nhiệm. Cần làm tốt công tác khảo sát, tổng kiểm tra, rà soát, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn PCCC nhất là các chung cư, nhà cao tầng (theo quy định của pháp luật kiểm tra 4 lần/năm). Siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng theo quy định.

Thứ ba, quan tâm công tác tư tưởng, xây dựng bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ PCCC dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ với tinh thần: “đâu có giặc lửa” là ta cứ đi. Phải làm tốt vai trò người lính xung trận trên mặt trận không có tiếng súng, không có chiến tuyến, dũng cảm chấp nhận hy sinh trong thực thi nhiệm vụ hiểm nguy. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chiến sĩ PCCC phải luôn rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cũng như kiến thức nắm bắt công nghệ tiên tiến, hiện đại để vận dụng vào công tác PCCC. Đặc biệt phải ra sức rèn luyện và thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy đối với Công an Nhân dân và 4 điều đối với lực lượng Cảnh sát PCCC.

Cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC hỗ trợ đồng đội tháo bình ô xy khi vừa ra khỏi khu vực chữa cháy Công ty TNHH Kwong Lung- Meko (lô 28, khu công nghiệp Trà Nóc, đường Lê Hồng Phong, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) trong vụ cháy xảy ra tại Công ty năm 2017. Ảnh: LAN PHƯƠNG

Thứ tư, cần rà soát kiểm tra bảo dưỡng phương tiện sẵn có và đề xuất trang bị thêm những phương tiện hiện đại tiên tiến, thật cần như: xe chỉ huy, xe trạm bơm, xe thang cao tầng, xe cứu nạn, cứu hộ, canô chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên sông, máy bơm nổi v.v. . ; quy hoạch xây dựng giao thông, bến bãi lấy nước, hệ thống trụ nước chữa cháy đô thị, phương tiện chữa cháy đi vào các hẻm nhỏ; xem xét di dời các cơ sở sản xuất - kinh doanh nằm lẫn khu dân cư ra các nơi tiện cho công tác chữa cháy. . .

Thứ năm, các cấp chính quyền với tư cách quản lý nhà nước về PCCC cần phải tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 47 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC” và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chủ đầu tư trong bảo đảm an toàn cháy nổ nhà chung cư; nâng mức xử phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm quy định PCCC, trong đó có hành vi chủ đầu tư cố tình đưa công trình chưa nghiệm thu PCCC vào sử dụng...

Trung tướng NGUYỄN XUÂN XINH 

Chia sẻ bài viết