10/10/2013 - 08:35

Phòng ngừa suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là triệu chứng nằm trong bệnh cảnh của nhiều bệnh nội và ngoại khoa, nhất là bệnh lý tâm thần và thần kinh. Giảm trí nhớ nhẹ có thể chỉ biểu hiện bởi tính hay quên đơn thuần nhưng nặng hơn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch, Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, cho biết: "Trên lâm sàng, chúng tôi từng gặp nhiều bệnh nhân suy giảm trí nhớ nặng tới mức không thể làm việc và tự phục vụ bản thân, mặc dù thời gian trước đó họ vẫn bình thường". Như trường hợp của ông Huỳnh Văn N. (53 tuổi, ngụ ở quận Thốt Nốt), vào Bệnh viện Tâm thần đầu tháng 8-2013, trong tình trạng suy giảm trí nhớ khá nặng. Theo lời kể của người nhà ông N., lúc đầu, thỉnh thoảng ông hay quên một việc gì đó định làm hoặc có khi không nhớ đã làm việc đó chưa, nhưng bây giờ, tên và năm sinh con ruột mình, ông cũng không nhớ nổi, không biết tính toán những phép tính đơn giản nhất, mặc dù trước đó ông có học toán. Thậm chí vừa mới nói chuyện, dặn dò ông một việc nào đó, hỏi lại là ông quên ngay; để ông một mình ra khỏi nhà thì không nhớ đường về.

Đo lưu huyết não giúp chẩn đoán suy giảm trí nhớ.

Theo bác sĩ Vũ, hội chứng suy giảm trí nhớ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: bệnh lý não bộ nguyên phát, hạ đường huyết, động kinh, phẫu thuật não bộ, bệnh lý hệ thống cơ thể, liên quan các chất độc thần kinh, sử dụng benzodiazepines và các thuốc an thần gây ngủ khác. Ngoài ra, sự khởi phát của hội chứng suy giảm trí nhớ còn xuất hiện đột ngột như: trường hợp chấn thương, tai biến mạch máu não, ngộ độc hóa chất hoặc xuất hiện dần dần trong bệnh lý nghiện rượu, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin nhóm B, khối u trong não.

Hội chứng suy giảm trí nhớ có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (dưới một tháng) hoặc trong một thời gian dài (trên một tháng). Triệu chứng chủ yếu của hội chứng suy giảm trí nhớ là hay quên, suy giảm khả năng học hỏi các kiến thức mới và mất khả năng nhớ lại các sự kiện hoặc kiến thức học tập trong quá khứ. Triệu chứng này gây ra các rối loạn trầm trọng cho hoạt động xã hội và nghề nghiệp của bệnh nhân. Thời điểm xuất hiện hội chứng suy giảm trí nhớ có thể có ngay khi, trước hoặc sau một bệnh lý hoặc một tổn thương. Bên cạnh đó, suy giảm trí nhớ có thể kèm theo các biến đổi nhân cách, bệnh nhân thờ ơ, thiếu linh hoạt hoặc dễ bị kích động, thiếu kiềm chế, dễ lú lẫn khi trả lời các câu hỏi, ảnh hưởng khả năng sinh hoạt, lao động và tự phục vụ bản thân, dần dần trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ đã cố gắng rất nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị, giúp nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe tâm thần, trở về cuộc sống bình thường. Ngày nay, có nhiều phương pháp cận lâm sàng được các bệnh viện sử dụng, để giúp chẩn đoán và đánh giá chính xác bệnh lý như: trắc nghiệm tâm lý, lưu huyết não, CT scanner và nhiều phương pháp điều trị đã chứng tỏ hiệu quả trên lâm sàng. Việc phát hiện sớm hội chứng suy giảm trí nhớ để xác định nguyên nhân gây bệnh, giúp việc điều trị mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân là điều mà bệnh nhân và thân nhân cần lưu ý. Khi trong gia đình có người tỏ ra hay đãng trí, quên trước, quên sau; không thể tập trung khi xem tivi, nghe đài, khi đọc sách, đọc báo; hoặc nặng hơn là không thể duy trì khả năng tập trung làm việc như trước, hay đi lạc vì quên, không biết đường về, không nhận biết được người thân trong gia đình hay bạn bè thân thuộc thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần khám để chẩn đoán và điều trị sớm.

Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ, nguyên tắc cơ bản là bản thân phải sắp xếp việc ăn, ngủ điều độ, không thường xuyên thức khuya, không ăn nhiều chất béo; học tập và lao động đều đặn, tập thể thao, tham gia các hoạt động xã hội, hạn chế rượu bia, thuốc lá, không sa vào các tệ nạn xã hội, nhất là nghiện chất ma túy. Khi có bệnh lý cơ thể, nhất là bệnh tim mạch và thần kinh, phải khám và điều trị bệnh sớm tại các bệnh viện chuyên khoa. Các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng chuyển hóa oxy tại não như gingkobiloba, piracetam, cavinton fort cũng giúp cải thiện trí nhớ trên lâm sàng.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết