14/08/2019 - 15:17

Phong Ðiền - Từ huyện nông thôn mới đến huyện đô thị sinh thái… 

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của TP Cần Thơ, Phong Ðiền là địa phương về đích sớm nhất so với 3 huyện còn lại. Không dừng lại ở đó, từ nền tảng huyện nông thôn mới, Phong Ðiền đã và đang nỗ lực để hướng đến mục tiêu trở thành huyện đô thị sinh thái. Ðiều này được thể hiện xuyên suốt qua từng chủ đề năm: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng chất lượng huyện nông thôn mới” (năm 2016), “Huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới theo hướng đô thị sinh thái” (năm 2017), “Quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái, phát triển du lịch” (năm 2018)…

► Chặng đường 10 năm

Kết quả XDNTM thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: “Thành quả nổi bật nhất trong công cuộc XDNTM của huyện là nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về XDNTM được nâng lên; xác định rõ vai trò của người dân trong XDNTM. Từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân trong đóng góp thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Hiện toàn bộ 6 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phong Điền được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 29-3-2016. Đây là nền tảng và điều kiện thuận lợi để các xã trên địa bàn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo”.

Sau khi trở thành huyện nông thôn mới, Phong Điền tập trung đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cầu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Ông Lê Văn Đẳng, người dân xã Trường Long, bộc bạch: “Mỗi người chúng ta khi tham gia XDNTM như: làm đường, làm thủy lợi, đóng bảo hiểm y tế… không chỉ giúp cho gia đình, con em, bản thân mình mà còn giúp cho cả xã hội. Trong 10 năm qua, không khó để nhận thấy sự thay đổi của quê hương từ đường sá, trường học, y tế, đời sống người dân… cái gì cũng mới, cũng đẹp, cũng phát triển hơn cả!”.

Song song đó, các xã nông thôn mới cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ nên thu nhập người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Trong những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi trên 150ha đất lúa kém hiệu quả lên bờ làm vườn. Hiện xã có 740ha đất vườn, trồng chủ yếu các loại cây ăn trái có giá trị cao như: Sầu riêng, vú sữa, nhãn… Trong đó, có gần 200ha trồng sầu riêng, có 95ha đang cho trái với sản lượng đạt 1.200 tấn/năm (ước giá trị trên dưới 50 tỉ đồng/năm). Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đã nâng lên 48 triệu đồng/ người/năm”.

Dâu Hạ Châu là đặc sản nổi tiếng của Phong Điền. 

► Nâng tầm huyện nông thôn mới

Trên cơ sở những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2020, huyện xác định tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí xã, huyện nông thôn mới làm tiền đề xây dựng Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Cụ thể, huyện phấn đấu tỷ lệ đường huyện, trục xã, liên xã, trục ấp, liên ấp được cứng hóa đạt 100%; đường ngõ xóm cứng hóa 90%. Đồng thời, phấn đấu 100% xã đạt tiêu chí về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%; hằng năm có từ 99% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 99%...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các xã rà soát từng tiêu chí một để đề ra giải pháp, phân công, phân bổ nguồn lực thực hiện củng cố, nâng chất lượng. Tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: Đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm cấp nước… Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: Từ nay đến cuối năm, xã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm khai thác và phát triển lợi thế của địa phương là du lịch sinh thái. Đơn cử như: Khuyến khích cộng đồng tham gia hoạt động du lịch thông qua hỗ trợ người dân hình thành các nhà nghỉ (xung quanh có vườn cây; nhà xây dựng bằng gỗ, lá hoặc ngói; trang trí mang nét đặc trưng của địa phương); xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch, đặc thù…

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, quá trình XDNTM của huyện tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy về Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Bởi 2 nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau để đưa huyện Phong Điền phát triển lên tầm cao mới. Trong đó, Phong Điền tập trung vào các nội dung sau: Hình thành và phát triển vùng đô thị sinh thái; vùng cây ăn trái; tuyến đường sông đạt cảnh quan môi trường; tạo nhiều sản phẩm du lịch về đặc trưng sinh thái…

Giai đoạn 2016 đến cuối tháng 6-2019, tổng nguồn vốn phục vụ XDNTM toàn huyện hơn 1.150 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 570,8 tỉ đồng, huy động doanh nghiệp hơn 39,4 tỉ đồng, vốn tín dụng trên 337,7 tỉ đồng và nhân dân đóng góp gần 203 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Tính đến tháng 6-2019, hệ thống thủy lợi của huyện đảm bảo hơn 95% diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn huyện có 33/40 trường đạt chuẩn; tất cả 74 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16% (giảm 3,24% so với năm 2015)…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết