29/04/2020 - 06:54

Phong Điền xây dựng nông thôn mới chất lượng, bền vững 

Trong 4 huyện tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của TP Cần Thơ, Phong Điền là địa phương về đích sớm nhất. Huyện hoàn thành XDNTM tất cả 6 xã vào năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Cuối năm 2019, Chương trình XDNTM Phong Điền tiếp tục đánh dấu thành công mới với xã Tân Thới được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đây là nền tảng, động lực để các xã còn lại cùng tiến lên xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đổi thay về mọi mặt

Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là hướng đi được các xã ưu tiên lựa chọn trong XDNTM. Trong ảnh: Nhà vườn xã Tân Thới thu hoạch cam.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Ngay sau khi trở thành huyện nông thôn mới, Phong Điền bắt tay vào thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cầu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Thành quả nổi bật nhất trong công cuộc XDNTM của huyện là nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về XDNTM được nâng lên; xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân trong đóng góp thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới”.

Là xã đầu tiên của huyện Phong Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, chia sẻ: “Hành trình trở thành xã nông thôn mới đã khó, sau đó lên nông thôn mới nâng cao càng khó hơn. Muốn thành công thì lòng dân phải thuận, phải ủng hộ chính quyền. Do đó, quá trình hoàn thành các tiêu chí chúng tôi đều bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, “Phong trào thi đua chung sức XDNTM” cũng được nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực”. Theo bà Hồ Thị Phương, quá trình chuyển từ xã nông thôn mới lên nông thôn mới nâng cao, xã đã huy động được 10,4 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 6 tỉ đồng, hiến hơn 10.000m2 đất và 7.500 ngày công lao động làm cầu, đường giao thông nông thôn, đê bao khép kín… Đồng thời, vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ cất 34 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa… với tổng kinh phí 1,37 tỉ đồng.

Thực tế quá trình XDNTM 10 năm qua trên địa bàn huyện Phong Điền cho thấy, người dân nông thôn là đối tượng được thụ hưởng chính từ Chương trình mang lại. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện trên 53 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt trên 99%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 90,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn 82,50%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,32% dân số. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tương đối hoàn chỉnh, được nhựa hóa, bê tông hóa tạo kết nối liên hoàn với nhau và đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Hiện nay, huyện không còn nhà tạm, dột nát và tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định trên 75%...

Không ngừng nâng chất

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, khẳng định: Riêng trong năm 2020, huyện tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình XDTNTM gắn với các phong trào thi đua: Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; Xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau đầu tư; Xây dựng cảnh quan, cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, mỗi xã chọn một mô hình điểm, tạo điểm nhấn trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường đạt tiêu chí “xanh - sạch - đẹp - an toàn”, mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu sản xuất…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2020, huyện Phong Điền xác định tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020. Trong đó, phấn đấu công nhận xã Nhơn Ái và Mỹ Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Ông Trần Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, cho biết: “So với các yêu cầu đặt ra của Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, hầu hết các tiêu chí của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, không vì vậy mà xã chủ quan, lơi lỏng. Trong quá trình chờ thẩm định từ thành phố, xã tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với các tiêu chí dễ bị giảm chất lượng sau khi đã đạt (thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ bảo hiểm y tế...), xã tiếp tục giữ và phát triển đến mức độ tốt nhất; các tiêu chí còn lại sẽ được nâng chuẩn cao hơn mức quy định nhằm đảm bảo chất lượng XDNTM trên địa bàn xã được giữ vững theo từng năm, từng giai đoạn”.

Quá trình XDNTM của huyện Phong Điền tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy về Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Lộ trình chúng tôi đề ra là xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao- hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tiếp theo gắn với xây dựng đô thị sinh thái. Vì vậy, thời gian tới, Tân Thới tập trung nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo các nội dung: Củng cố, nâng chất hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư...); phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm... Nỗ lực này nhằm nâng cao mức hưởng thụ trực tiếp cho người dân và làm cho họ cảm nhận được thế nào là nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khác xã nông thôn mới đơn thuần ra sao và đặc biệt là họ được thụ hưởng gì từ Chương trình này...”.    

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết