04/09/2016 - 22:31

Phong Điền “nâng chất” vườn cây ăn trái

Huyện Phong Ðiền hiện có khoảng 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 6.500 ha trồng cây ăn trái và hơn 3.000 ha sản xuất lúa. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Ðiền đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có thể đạt thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/ năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

* Khẳng định thế mạnh về cây ăn trái

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua, nhiều vườn cây ăn trái tại huyện Phong Điền có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn 5-10 lần so với trồng lúa. Thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện thì hiện có khoảng 3.500 ha trồng các loại trái cây ngon và trái cây đặc sản có thể giúp nông dân có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm; còn lại nhiều diện tích trồng các loại cây ăn trái bình thường như: cóc, ổi, chuối... cũng có thể giúp nhà nông có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Trong định hướng phát triển đến năm 2020, Phong Điền dự kiến sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 7.500-8.000 ha, tăng thêm từ 1.000-1.500 ha so với hiện nay.

Ông Lương Hoàng Sương ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình vừa được cải tạo, trồng mới lại được 2 năm nay.

Dù tình hình thời tiết có nhiều bất lợi trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài nhưng phần lớn các diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Điền cho hiệu quả kinh tế khá tốt nhờ đầu ra sản phẩm thuận lợi, giá nhiều loại trái cây ở mức cao so với mọi năm. Theo Phòng NN& PTNT huyện Phong Điền, nhìn chung sản lượng trái cây trên địa bàn huyện đã tăng so với năm trước nhờ diện tích trồng cây ăn trái tăng và nhiều vườn cây được trồng lâu năm đã bước vào giai đoạn cho trái nhiều. Trong 8 tháng năm 2016, Phong Điền đã thu hoạch trái cây với tổng sản lượng khoảng 62.532 tấn đạt 84,03% kế hoạch, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2015.

Đến nay, huyện Phong Điền đã xây dựng và phát triển được các vùng tập trung sản xuất các loại cây ăn trái ngon, đặc sản để có thể tạo lợi thế cạnh tranh và thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như, vùng tập trung sản xuất dâu Hạ Châu khoảng 350 ha tại xã Nhơn Ái và thị trấn Phong Điền, vùng chuyên canh trồng vú sữa khoảng 250 ha tại xã Giai Xuân, vùng sản xuất chanh không hạt với quy mô hơn 100 ha tại xã Trường Long, vùng trồng nhãn tập trung tại xã Nhơn Nghĩa, trồng sầu riêng ở Tân Thới... Mặt khác, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền thành phố và địa phương, các nhà vườn ở Phong Điền còn xây dựng và phát triển ngày càng nhiều các mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều điểm du lịch miệt vườn được du khách gần xa biết đến như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Vườn du lịch Giáo Dương, Vườn ca cao Mười Cương, Homestay Mỹ Thuận, Vườn trái cây Vàm Xáng... Theo ông Trần Văn Liền, chủ Vườn trái cây Vàm Xáng ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, nhờ sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương mà ông mạnh dạn tiến hành xây dựng mô hình vườn trái cây du lịch, qua đó đã tạo thuận lợi cho tiêu thụ trái cây ngay tại chỗ và có thêm thu nhập từ các hoạt động dịch vụ du lịch.

* Cải tạo vườn cây kém hiệu quả

Để phát huy thế mạnh về trồng cây ăn trái tại địa phương, huyện Phong Điền đã và đang tiếp tục tích cực vận động nhân dân cải tạo, nâng chất các diện tích vườn tạp, vườn hoang và vườn cây đã lão hóa. Đồng thời, huyện cũng tiến hành rà soát và vận động bà con chuyển các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ông Nguyễn Châu ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, cho biết: Trước đây, khu vườn của nhà tôi trồng nhãn tiêu da bò, do cây đã trồng lâu năm nên lão quá, nhãn lại thêm nhiễm bệnh chổi rồng nên cho hiệu quá kinh tế rất thấp. Được sự khuyến khích của chính quyền tại địa phương và thấy thời gian qua có nhiều bà con cải tạo vườn có hiệu quả, tôi đã quyết định đốn bỏ nhãn tiêu da bò để trồng lại nhãn ido và cam sành. Qua 4 tháng trồng, vườn cây của tôi phát triển khá tốt và tôi đang nỗ lực chăm sóc". Bà Trần Thị Thêm cùng ngụ xã Trường Long, cũng cho biết: Gia đình đã đốn bỏ 12 công xoài bị lão hóa cho hiệu quả kinh tế kém để trồng lại khoảng 1.500 gốc mãng cầu xiêm. Đến nay, vườn mãng cầu đã bắt đầu cho trái. Gia đình tôi rất vui khi mãng cầu hiện có giá bán trên 20.000 đồng/kg". Theo ông Đỗ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Trường Long, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền, thời gian qua Trường Long cùng các xã khác trên địa bàn huyện Phong Điền đã tích cực vận động nhân dân tại địa phương cải tạo, nâng chất các diện tích trồng cây ăn trái. Nhìn chung, bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát huy lợi thế của địa phương về kinh tế vườn nên rất tích cực hưởng ứng. Trong những tháng qua, nông dân tại xã Trường Long đã cải tạo được hơn 15 ha vườn kém hiệu quả, đồng thời các hộ dân có diện tích ruộng nằm trong các khu vực vườn và khu vực có điều kiện sản xuất lúa kém hiệu quả cũng đã chuyển hơn 20 ha lên làm vườn.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, các ban ngành chức năng và địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền đã vận động nông dân tiến hành cải tạo diện tích vườn bị suy thoái, kém hiệu quả được hơn 311 ha. Đồng thời có trên 200 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được cải tạo, chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Các loại cây ăn trái được nông dân trên địa bàn huyện phát triển trồng khá đa dạng về chủng loại, trong đó trồng nhiều là các loại cây ăn trái được ngành chức năng huyện khuyến khích phát triển như: các loại cam, bưởi, chanh không hạt, nhãn Ido, sầu riêng... Theo ôngTrần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, việc cải tạo, nâng chất vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Để hỗ trợ nông dân tại địa phương phát huy tốt lợi thế về kinh tế vườn, tới đây ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống cây trồng để giúp nông dân đẩy mạnh cải tạo các vườn kém hiệu quả gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động. Quan tâm tập huấn kỹ thuật, dạy nghề trồng cây ăn trái và khuyến cáo bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, trong đó tập trung các giải pháp sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo tốt chất lượng. Khuyến khích nông dân tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị và tích cực hướng dẫn, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất theo VietGAP và theo các tiêu chuẩn sạch nhằm tạo lợi thế về quy trình chất lượng sản phẩm, quy mô hàng hóa.

Bằng hình thức hỗ trợ 60% giá trị cây giống cho bà con cải tạo vườn cây, trong những tháng đầu năm nay, huyện đã hỗ trợ cây giống cho bà con với diện tích khoảng 40 ha, với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng. Tuy nguồn hỗ trợ này mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu của bà con tại địa phương nhưng nó cũng đã góp phần tích cực trong việc định hướng sản xuất và khuyến khích bà con cải tạo, nâng chất kịp thời các vườn cây ăn trái.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết