25/03/2020 - 09:16

Phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng người dân 

Ngày 7-3-2020, tại khu vực 5, phường An Bình, TP Cần Thơ sạt lở đã làm sụp đổ một phần nhà sau của 4 hộ dân, 1 xưởng cán tôn. Theo nhiều người dân  sáng cùng ngày, khi bà con đang nấu nướng, sinh hoạt trong nhà thì nghe tiếng kêu răng rắc và vết nứt nền nhà bắt đầu xuất hiện. Mọi người cùng hô to và kịp thời chạy thoát ra khỏi khu vực sạt lở, khẩn trương  báo chính quyền địa phương... 

Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực 5, phường An Bình vào ngày 7-3-2020.

Hiểm họa sạt lở

Ông Nguyễn Văn Đỏ ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có nhà bị ảnh hưởng sạt lở, cho biết: “Hơn 9 giờ sáng, tôi đang sửa ống nước ở nhà phía sau thì nghe tiếng kêu răng rắc, nền nhà từ từ nứt và sụp xuống sông. Tận mắt chứng kiến tôi mới thấy nguy hiểm khi xây dựng nhà ở cặp bờ sông. Ai có nhà cặp bờ sông cần phải cảnh giác và sớm di dời đến nơi ở an toàn”... Điểm sạt lở này dài khoảng 27m, rộng khoảng 3m, độ sâu từ 5m đến 7m. Rất may, vụ sạt lở không ảnh hưởng người, tuy nhiên  vật dụng gia đình của các hộ dân nêu trên đã chìm xuống sông… Theo UBND quận Ninh Kiều, tại khu vực sạt lở trên thuộc Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ, các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đều có nhà nằm trong dự án và đã nhận tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại theo quy định. Hiện bà con đang chờ cấp nền tái định cư để di dời, xây dựng nhà mới. Sau sự cố sạt lở, UBND quận Ninh Kiều đề nghị chủ đầu tư Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ hỗ trợ tiền tạm cư cho người dân theo quy định; đồng thời, quận Ninh Kiều hỗ trợ di dời, khắc phục thiên tai cho các hộ dân...

Vào các ngày 25-1 và 10-3-2020, trên tuyến sông Trà Nóc thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy cũng xuất hiện 2 điểm sụt lún, sạt lở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến 6 căn nhà, trong đó có 4 căn liền kề bị sụp đổ một phần nhà xuống sông, vách tường có nhiều vết nứt lớn. Đến nay, tại khu vực này xuất hiện nhiều vết nứt, sạt lở có khả năng tiếp tục xảy ra. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp tài sản, vật dụng gia đình đến nơi ở an toàn.

Tại huyện Phong Điền, vào giữa tháng 3-2020 cũng xuất hiện điểm sạt lở trên tuyến rạch Sung (ấp Nhơn Khánh A, xã Nhơn Nghĩa) có chiều dài hơn 120m, ăn sâu vào bờ 8m. Đây là 1 trong 4 điểm sạt lở trên địa bàn huyện Phong Điền đang cần khẩn trương khắc phục. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Nguyên nhân xảy ra sạt lở trên do dòng chảy tại kênh rạch Sung mạnh, tuyến kênh sâu nên xảy ra sạt lở bờ sông, ảnh hưởng giao thông nông thôn tại địa phương. Đặc biệt, trong thời gian mùa khô năm nay, mực nước xuống thấp, tình trạng sạt lở xảy ra càng thêm nghiêm trọng hơn”.

Nỗ lực khắc phục

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2020, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 7 điểm sạt lở bờ sông ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh. Dự báo, từ nay cho đến mùa mưa sẽ còn tiếp tục diễn ra. Năm ngoái, thành phố đã xảy ra 25 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại trên 14 tỉ đồng. Tình trạng sạt lở hiện đang có xu hướng gia tăng trong năm 2020 này.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông thay đổi, mùa nước thì nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. TP Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này, do đó khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, cần thiết nhất cho việc bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị, tạo mặt bằng vững chắc cho người dân khai thác vị trí kinh doanh trên bến, dưới thuyền...”.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra trên địa bàn thành phố, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đã xuống hiện trường, cùng chính quyền địa phương chỉ huy các lực lượng giúp người dân tiến hành tháo dỡ, di dời khẩn cấp nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân quanh khu vực sạt lở. Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã hỗ trợ quận Cái Răng khắc phục được 3/4 điểm sạt lở xuất hiện trên địa bàn. Riêng điểm sạt lở tại khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú (quận Cái Răng) bị sạt lở 2 lần vào ngày 16-1 và 17-2-2020 với chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào bờ 6m, chia cắt hoàn toàn tuyến đường giao thông tại khu vực, làm ảnh hưởng 2 căn nhà (trong đó có 1 căn bị sụp hoàn toàn xuống sông); điểm sạt lở tại sông Trà Nóc (phường Trà An, quận Bình Thủy), UBND TP Cần Thơ đã mời Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiến hành khảo sát, tìm nguyên nhân để đề xuất giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả, đảm bảo ổn định lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, Chi cục Thủy lợi thành phố phối hợp cùng UBND các quận, huyện khảo sát toàn tuyến sông bị sạt lở, thống kê nhà cửa, vật kiến trúc của người dân có khả năng bị ảnh hưởng; tổ chức vận động các hộ dân có nhà ven bờ sông, kênh, rạch di dời đến nơi ở an toàn; tiếp tục kiểm tra và mời đơn vị chức năng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát, đánh giá khả năng sạt lở tại khu vực nguy hiểm, dòng sông chảy xiết, thẳng đứng để đưa ra giải pháp khắc phục; tổ chức rà soát lại các khu vực lân cận vị trí sạt lở, không để người dân tiếp tục ở lại các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; hỗ trợ bà con tháo dỡ, giảm tải tại khu vực bờ sông và kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại (từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố) khi sự cố xấu xảy ra...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
chống sạt lở