Năm 2023, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP Cần Thơ phát triển ổn định, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, nổi bật việc linh hoạt phối hợp tư vấn tuyển sinh, liên kết đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động (TTLÐ) và doanh nghiệp (DN).
Học viên lớp nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn đang thực hành pha chế thức uống.
Tăng cường phối hợp, liên kết
Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Ô Môn vừa phối hợp Trường Trung cấp Việt Thuận (tỉnh Ninh Thuận) khai giảng 2 lớp trung cấp công nghệ thông tin (CNTT) và tiếng Hàn, với 50 học sinh (HS) đang học lớp 10 hệ GDTX tại Trung tâm. Trong 2 năm, HS tham gia đào tạo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến các nội dung kiến thức về CNTT và tiếng Hàn. Kết thúc khóa đào tạo, HS nhận 2 bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp; được trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.
Theo ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận, cho biết, năm 2023, Trung tâm phối hợp tuyển sinh, đào tạo các nghề sơ cấp điện lạnh, điện dân dụng, pha chế, trang điểm, cắt tóc, trồng rau màu, trồng cây ăn trái cho trên 230 lao động. Tham gia học nghề trồng rau màu, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi nghỉ việc nhân viên bán hàng hơn 2 năm nay do sức khỏe không đảm bảo. Tôi vừa thử sức bán hàng online, vừa tận dụng đất trống quanh nhà trồng các loại rau phổ biến để bán lẻ, kiếm thêm thu nhập. Tôi tích lũy nhiều kiến thức, kỹ thuật trồng rau màu mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng rau”.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Thạnh vừa liên kết Trường Trung cấp Nghề Thới Lai tổ chức 2 lớp trung cấp điện công nghiệp và kế toán DN cho gần 40 HS lớp 10 và 11 hệ GDTX tại Trung tâm. Em Võ Phục Yến Hoa, ở thị trấn Thạnh An, HS lớp 11 và lớp nghề kế toán DN, nói: “Em mồ côi cha mẹ, đang sống với vợ chồng chị gái, cuộc sống rất khó khăn. Ngoài giờ học bổ túc, em làm phục vụ quán cà phê để có tiền lo chi phí sinh hoạt, học tập. Em chọn học nghề kế toán DN, mong sớm có việc làm để phụ giúp chị trang trải chi tiêu gia đình”. Cùng với tăng cường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS và bộ đội xuất ngũ, Trung tâm phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề để cung ứng nguồn lao động cho khu công nghiệp VSIP Cần Thơ thời gian tới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, năm 2023, thành phố giải quyết việc làm (GQVL) cho 50.921 người, đưa 736 người đi làm việc ở nước ngoài; tuyển sinh đào tạo nghề 45.680 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,5%. Thành phố hiện có 64 cơ sở GDNN, gồm các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN-GDTX và cơ sở GDNN của DN. Các cơ sở GDNN đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn, hướng nghiệp phù hợp qua zalo, facebook, email, trực tuyến... đảm bảo HS được tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ sở GDNN, xu hướng và nhu cầu TTLÐ. Các trường cao đẳng, trung cấp hiện mở rộng quan hệ với 119 công ty, DN. Qua đó, tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo với DN để giới thiệu HS năm cuối đến thực tập, vừa rèn kỹ năng nghề nghiệp, làm quen thực tế sản xuất và hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp; chủ động trao đổi, giao lưu các DN từng hỗ trợ, hợp tác tốt với nhà trường trong đào tạo và GQVL cho HS, sinh viên. Ðồng thời, ghi nhận các góp ý để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN. Ông Huỳnh Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, cho biết: “Năm qua, nhà trường đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh vượt chỉ tiêu; liên kết các trung tâm, đơn vị đào tạo nghề hệ sơ cấp và trung cấp. Ðồng thời, chú trọng kết nối các cơ sở, DN để HS đến thực tập cũng như chủ động hơn trong tìm việc làm”.
Năm 2024, thành phố phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu, như GQVL 50.600 người, trong đó, có 470 người đi làm việc ở nước ngoài; tuyển sinh đào tạo nghề 45.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,5%... Theo đó, thành phố thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu TTLÐ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GDNN. Cùng với củng cố mạng lưới cơ sở GDNN, đào tạo nhân lực trình độ cao gắn với các trường trọng điểm, thành phố tăng cường đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù, như lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ðồng thời, triển khai các giải pháp, kết nối thông tin cung - cầu lao động để GQVL cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng của DN. Các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ, ngành nghề phù hợp nhu cầu DN; đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN. Các cơ sở GDNN tăng cường phối hợp, gắn kết DN từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo và bố trí việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nâng cao hiệu quả mô hình liên kết 3 bên cơ sở GDNN - DN - trung tâm dịch vụ việc làm để phát huy tối đa lợi thế các bên trong GDNN và GQVL. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao vai trò DN trong hợp tác, liên kết các cơ sở GDNN đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu TTLÐ.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG