07/03/2025 - 18:44

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và phòng chống hạn mặn vùng ĐBSCL 

(CT)- Ngày 7-3, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và phòng chống hạn mặn vùng ÐBSCL. Cùng dự hội nghị có ông Ðỗ Ðức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp lúa gạo. Về phía TP Cần Thơ, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ…dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2025, diện tích gieo trồng lúa của cả nước dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với năm 2024. Trong đó, sản lượng lúa tại vùng ÐBSCL là 3,793 triệu ha, với sản lượng dự kiến đạt 24,057 triệu tấn. Theo Bộ NN&MT, vụ đông xuân 2024-2025, vùng  ÐBSCL sản xuất 1,5 triệu ha, với sản lượng dự kiến đạt 10,772 triệu ha. Tính đến hết tháng 2-2025, đã có 605.000 ha lúa đông xuân tại vùng ÐBSCL được thu hoạch, với sản lượng đạt 4,174 triệu tấn. Qua 2 tháng năm 2025, nước ta xuất khẩu được 1,1 triệu trấn gạo, tăng 5,9% so với cùng kỳ, giá trị đạt 613 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ do giá gạo toàn cầu giảm. Những tháng đầu năm 2025, thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới tăng cao, nhất là khi Ấn Ðộ mở cửa xuất khẩu trở lại, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều nước giảm đã tác động đến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước. Theo đó, giá bán lúa của nông dân tại vùng ÐBSCL trong vụ đông xuân 2024-2025 cũng giảm đáng kể so với năm 2024. Còn về xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ÐBSCL, từ đầu mùa khô đến ngày 5-3-2025 đã xuất hiện ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô các năm 2019-2020, 2015-2016 và 2023-2024. Ranh mặn 4gram/lít cao nhất đã xuất hiện tại các cửa sông Cửu Long từ 42-60km, tùy cửa sông…

Tại hội nghị, Bộ NN&MT cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo của nước ta và tình hình thương mại gạo trên thế giới, cũng như tình hình hạn mặn tại vùng ÐBSCL. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, phân tích làm rõ các cơ hội, tiềm năng phát triển và các khó khăn và hạn chế mà ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt. Qua đó, đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cụ thể mà các cơ quan chức năng nhà nước cùng nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan cần kịp trời triển khai cho trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quản sản xuất, kinh doanh. Nhiều đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác cập nhật,  cung cấp thông tin thị trường, dự báo cung - cầu gạo trên thế giới... để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân chủ động điều chỉnh sản xuất và cân đối cung cầu lúa gạo trong nước gắn với nhu cầu thị trường. Tiếp tục tăng cường sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển xuất khẩu vào các thị trường cấp cao để bán được giá cao. Tăng hỗ trợ về vốn và ưu đãi lãi suất vay để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu mua, tạm trữ lúa, gạo và đầu tư phát triển hệ thống lò sấy, kho trữ lúa, phát triển chế biến… nhằm nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng. Ðẩy mạnh thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC). Kịp thời bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh lúa gạo và tăng cường liên kết với nông dân tạo chuỗi liên kết bền vững…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ NN&MT cùng các bộ, ngành và đơn vị chức năng cần chú ý thực hiện tốt công tác định hướng tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống để thực hiện tốt việc truyền thông về lúa gạo và hướng dẫn các bên liên quan biết cách cập nhật thường xuyên. Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh kế hoạch sản xuất và diện tích sản xuất lúa cho phù hợp vào từng thời điểm và điều kiện sản xuất thực tế tại từng nơi, nhất là đối với sản xuất lúa 3 vụ trong năm. Quan tâm công tác cập nhật, dự báo về hạn mặn, nhất là dự báo dài hạn để điều hành tốt sản xuất. Bộ NN&MT phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các bên có liên quan để kịp thời bàn bạc và có giải pháp đẩy mạnh thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, qua đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm và tạo ra những giá trị riêng biệt và có sức cạnh tranh cao cho lúa gạo Việt Nam. Kịp thời có chiến lược xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam. Tham mưu chính phủ sửa đổi Nghị định 107/2018/NÐ-CP và Nghị định số 01/2025/NÐ-CP để nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề vốn, hạn mức vay, điều kiện vay và việc ưu đãi lãi suất… để có các gói tín dụng phù hợp và kịp thời…

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết