23/08/2021 - 14:04

Phim kinh dị Hàn Quốc chuyển hướng 

Nói đến dòng phim kinh dị châu Á, điện ảnh Hàn Quốc luôn có những tác phẩm mang bản sắc rất riêng. Vì thế, dòng phim này của xứ sở Kim Chi được cộng đồng làm phim quốc tế đánh giá cao và được Hollywood nhiều lần mua bản quyền để làm lại. Tuy nhiên, phim kinh dị của Hàn Quốc đang có sự phân nhánh, chuyển hướng.

Phim “The Call” của Hàn Quốc.

Phim “The Call” của Hàn Quốc.

Từ đầu những năm 2000 cho tới giữa những năm 2010, phim kinh dị là một trong những nét riêng biệt và nổi bật của điện ảnh Hàn Quốc. Hàng loạt những tác phẩm: “The Quiet Family”, “A Tale of Two Sisters”, “Old Boy”, “I Saw the Devil”... thuyết phục hoàn toàn giới chuyên môn. Nổi bật là “The Walling” (2016) tạo được tiếng vang tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, khẳng định vị trí phim kinh dị Hàn Quốc với bản sắc khó nhầm lẫn. Giáo sư người Mỹ Harry M. Benshoff cho rằng: “Phim kinh dị Hàn Quốc có đề tài rất đa dạng và luôn đem lại cho người xem những trải nghiệm khó tin”. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu về văn hóa đại chúng Eunju Baehrisch nói: “Phim kinh dị Hàn Quốc lạnh lùng và có sức hút mãnh liệt với những ai yêu thích thể loại này”.

Thực tế, dòng phim kinh dị Hàn Quốc trong giai đoạn này được đánh giá rất cao, bởi khai thác triệt để những nỗi đau từ vật chất đến tinh thần; bóc trần mọi thứ một cách quyết liệt và khiến người xem nghẹt thở, đau đớn cùng với nhân vật. Chính vì thế, dòng phim này còn phản ánh hiện thực xã hội, bản chất con người trước thời cuộc. 

Dòng chảy thị trường cũng đã tác động đến các nhà làm phim, dẫn đến nhiều thay đổi. Một bộ phận các nhà làm phim Hàn Quốc muốn tiến đến Hollywood, tiếp cận khán giả toàn cầu và sáng tạo những tác phẩm mang tính quốc tế. Có thể kể đến một số phim như “Train to Busan” (2016), “Rampant” (2018), “Kingdom” (2019), “Peninsula” (2020), “Alive” (2020). Những phim này đều thành công về thương mại, tạo chỗ đứng quốc tế mới cho ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, những phim này đều có công thức chung tương tự như bom tấn của Hollywood. Từ đó đặt ra vấn đề: phim kinh dị của xứ sở Kim Chi bị mất chất hay đã thị trường hóa?

Thực tế, khi muốn phim ảnh đến với khán giả đại chúng và tiếp cận nhiều thị trường, buộc phải theo xu hướng quốc tế và gia giảm chất bản địa. Điều này cũng lý giải cho sự rẽ nhánh của phim kinh dị Hàn Quốc. Một bộ phận nhà làm phim đi theo thị trường, với những sản phẩm pha trộn giữa kinh dị và giật gân. Và một nhánh giữ sự thuần chất địa phương trong cách làm phim, dù khoảng 2-3 năm mới có một tác phẩm gây tiếng vang. Gần đây, “Gonjiam: Haunted Asylum” có lẽ là phim gây chú ý nhất khi lọt vào tốp những phim kinh dị Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại do Rotten Tomatoes bình chọn. Tác phẩm của nhà làm phim Jung Bum Shik gần như giữ được nét nguyên bản của phim kinh dị Hàn: lôi cuốn và tinh tế ở những cảnh quay hù dọa. Tuy nhiên, với khán giả thì phim này không mấy phổ biến, vì đa phần người xem nhớ đến những phim bom tấn về xác sống, quái vật của dòng phim thương mại.

Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn có nhiều nhà làm phim kiên trì đi theo con đường làm phim kiểu bản địa. Đó là Lee Chung Hyeon với tác phẩm “The Call” do Netflix đầu tư. Sức hút của “The Call” ở từ khóa khó hiểu, cùng những mẩu chuyện gây ám ảnh, lắt léo, gợi tò mò. Phim đã đạt tỷ suất người xem rất cao, với hàng chục triệu lượt. Rotten Tomatoes cũng đánh giá phim đạt tỷ lệ 100% điểm tích cực. Từ đó có thể thấy dòng phim kinh dị Hàn luôn có sức hút với khán giả, dù thuần chất hay đổi mới theo thị trường.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Koreaherald, Screenrant, SCMP)

Chia sẻ bài viết