24/10/2015 - 16:13

Phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em

Phim hoạt hình- thể loại tưởng chừng chỉ dành cho trẻ em nhưng gần đây hàng loạt phim ("Shrek", "Up", "Frozen", "Inside Out"…) khi ra rạp lại thu hút các khán giả ở nhiều lứa tuổi. Nắm bắt xu hướng này, ngay lập tức, các hãng phim có chiến lược cụ thể để "đánh" vào khán giả trên 20 tuổi, nhằm đa dạng hóa đối tượng, tăng doanh thu.

Thay đổi cả nội dung lẫn công nghệ

Theo lịch sử phim hoạt hình, hãng Walt Disney nổi tiếng từ thập niên 1930, là thế giới giải trí dành cho trẻ em. Thời đấy, các phim "The Lion King", "Beauty and the Beast", "Snow White and the Seven Dwarfs", "Pinocchio"… thu hút khán giả nhí bằng câu chuyện giản dị, hài hước, giàu trí tưởng tượng. Bởi mặc định chỉ dành cho thiếu nhi nên nội dung phim đơn giản, hình ảnh đẹp là đủ. Khi mở rộng đối tượng khán giả, quan điểm trên đã thay đổi. Điều dễ nhận thấy là các phim hoạt hình được đầu tư mạnh hơn về nhiều mặt, từ cốt truyện hấp dẫn, có chiều sâu, cách xây dựng nhân vật siêu đáng yêu, cho đến kỹ xảo, đồ họa sắc nét,… nhằm thu hút càng nhiều đối tượng khán giả đến rạp càng tốt. Điển hình là sự thành công của các phim "Up", "Finding Nemo", "Wall-E", "Toy Story", "Ice Age", "Despicable Me", "Minions", "Monster Univesity" ….

"Frozen" có doanh thu trên 1,2 tỉ USD.

Ông G. Leon, Phó Giám đốc điều hành của Ilion Animation, nhận định: "Chất lượng phim hoạt hình hiện nay thật đáng kinh ngạc và chúng ta đang bị cuốn vào những bộ phim có cốt truyện độc đáo". Ngày nay, phim hoạt hình rất được chú trọng nội dung. Nhiều đề tài về tình thân, tình bạn, tình yêu được khai thác đa chiều. Chẳng hạn, "Up" do hãng Pixar Animation Studios sản xuất, kể về ông lão Carl Fredricksen và cậu bé "nhà thám hiểm hoang dã" tên Russell bay đến Nam Mỹ trong một căn nhà được kéo lên không trung bằng bong bóng, để thực hiện ước mơ đi khắp thế gian của người vợ quá cố của ông Carl Fredricksen. Câu chuyện làm ấm lòng người xem bởi tình cảm mà ông lão dành cho người vợ quá cố, tình người giữa hai con người xa lạ. Hay "Wall-E" lấy nước mắt của hàng triệu khán giả bởi câu chuyện tình yêu, sự hy sinh cao cả và trách nhiệm gìn giữ môi trường.

Các nhà làm phim hoạt hình chủ động khai thác nhiều loại đề tài, từ hài hước, phiêu lưu, đến khám phá, siêu tưởng… "Finding Nemo" là phim hội đủ các yếu tố phiêu lưu, hài hước và câu chuyện ý nghĩa về tình cha, tình bạn. Phim kể về hành trình của chú cả hề Marlin đi tìm cá hề con Nemo. Dõi theo hành trình của Marlin, người xem có những phút giây thư giãn cười sảng khoái với sự thật thà của Marlin, sự vụng về của cô nàng cá hay quên Dory. Rồi sau đó là những thước phim cảm động về sự đoàn tụ của hai cha con Marlin. So với trước đây, nội dung phim hoạt hình hiện nay tinh tế, chắt lọc hơn, bên cạnh sự hài hước- yếu tố cần có, thì những cảm xúc: giận dữ, yêu ghét… được gia tăng đa dạng để tạo sức hút mạnh mẽ hơn.

Điểm khác biệt rõ nhất của phim hoạt hình hiện nay so với phim hoạt hình trước kia chính là những tiến bộ công nghệ. Công nghệ 3D với hình ảnh sắc nét, tạo cho nhân vật sống động và câu chuyện cuốn hút hơn. Đây cũng là một trong những lý do chính để phim hoạt hình thu hút khán giả đến rạp nhiều hơn. Đánh dấu bước ngoặt về công nghệ là tác phẩm "Toy Story" (1995)- phim hoạt hình đầu tiên được sản xuất trên máy tính. Để tạo nên thế giới của 27 nhân vật, "Toy Story" cần đến 400 máy tính. Phim đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ giới phê bình. Roger Ebert- cây bút của Chiago Sun Times nhận xét: ""Toy Story" đã mở ra sự thay đổi về công nghệ, nó cho chúng ta thấy con đường mới của phim hoạt hình". Owen Gleiberman của Entertainment Weekly đánh giá: "Một thế giới tưởng tượng hoàn toàn tự do. Đây là phim dành cho trẻ em tuyệt nhất nhưng nó đặc biệt thu hút với những người trưởng thành. Vé bán ra cho họ thậm chí nhiều hơn cho các em nhỏ".

"Inside Out" (2015) của Pixar đang được xem là ứng cử viên sáng giá đề cử Oscar 2016 "Phim hoạt hình xuất sắc nhất".

Bản thân những bộ phim hoạt hình thời nay cũng dần tự thoát khỏi quan niệm "chỉ dành cho trẻ em". "Brave" là một điển hình của cô gái nỗ lực hết mình để trưởng thành, cũng như chính bản thân những bộ phim hoạt hình đang từng ngày vận động. Các nhà làm phim đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, phim hoạt hình được sản xuất một cách cầu kỳ, công phu hơn. Hàng loạt tác phẩm như "Monsters, Inc.", "How to Train Your Dragon", "Brave", "Shrek", "Up" và "Wreck It Ralph" đang mở ra một kỷ nguyên hoạt hình sống động, tràn đầy sáng tạo, hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của những khán giả có hiểu biết, kiến thức về điện ảnh, về công nghệ, chứ không chỉ riêng dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, trẻ em vẫn là đối tượng luôn được ưu tiên hàng đầu mà các phim hoạt hình nhắm đến.

"Mảnh đất màu mỡ" thu hút đầu tư của các "ông lớn"

Chính sự thay đổi về nội dung, công nghệ đã tạo cho phim hoạt hình có sức hút hơn, trở thành những "bom tấn" phòng vé. Điển hình, "Frozen" có doanh thu trên 1,2 tỉ USD; cơn sốt da vàng "Minions" mang về trên 1,1 tỉ USD; "Toy Story 3" có doanh thu trên 1 tỉ USD và các phim này lần lượt đứng vị trí thứ 8, 10, 17 trên bảng xếp hạng phim ăn khách nhất mọi thời đại. Thành công vang dội của các phim hoạt hình trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các hãng phim tranh nhau đầu tư. Các chuyên gia Hollywood Reporter cho biết công thức thành công chung cho các bộ phim hoạt hình 3D là: cốt truyện hấp dẫn, yếu tố hài hước, đồ họa đẹp, dàn diễn viên ngôi sao lồng tiếng, phù hợp với nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, "cuộc chơi" phim hoạt hình 3D không phải ai cũng có thể tham gia khi đòi hỏi mức chi phí và công nghệ sản xuất tiên tiến bậc nhất. Hãng Disney/ Pixar đã chi khoảng 200 triệu USD để sản xuất "Toy Story 3"; hay DreamWorks Animation cũng phải "dốc" 165 triệu USD cho phim "How to Train Your Dragon"; Walt Disney cũng phải đầu tư hơn 150 triệu USD để "Frozen" thành phẩm. Thấp hơn, Universal Pictures and Illumination Entertainment cũng phải bỏ ra gần 70 triệu USD cho phim "Despicable Me". Vì thế, theo dự đoán của các chuyên gia, phim hoạt hình 3D trong vài năm tới vẫn sẽ là cuộc chơi nội bộ của các đại gia như Disney/ Pixar hay DreamWorks Animation.

Thực tế, các hãng phim Hollywood đang mải mê khai thác những thương hiệu hoạt hình đã thành công. Ví dụ, Disney / Pixar tập trung vào các phần tiếp theo của "Toy Story", "Finding Nemo", "Up", "Wall-E", "Frozen", "Cars"...; DreamWorks Animation với "Shrek", "Kungfu Panda", "Madagascar", "How to Train Your Dragon"…; 20th Century Fox đầu tư cho các phần tiếp theo của "Ice Age", "Epic"; Warner Bros Pictures với "Happy Feet"; Universal Pictures với "Despicable Me"…. Bên cạnh đó, các hãng phim ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Argentine… cũng đang tạo hình ảnh hoạt hình riêng để cạnh tranh. Gần đây, sự phát triển nhanh của phim hoạt hình Trung Quốc với những sản phẩm oanh tạc phòng vé: "The Monkey King: Hero in Back", "Boonie Bear: Mystical Winter", "The Magical Brush", "Mr. Black: Green Star", "Little Door Gods"… đã tạo cho thị trường phim hoạt hình thế giới thêm đa dạng.

Ông Jeffrey Katzenberg, Giám đốc điều hành DreamWorks Animation, người từng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phim hoạt hình, nhìn nhận: "Cách đây 20 năm, phần lớn phim hoạt hình chỉ hướng đến trẻ em, nhưng nay nó trở thành mảng kinh doanh giải trí tuyệt vời, buộc chúng ta phải nâng cấp nhiều thứ để hướng đến đối tượng khán giả rộng hơn". Hiện phim hoạt hình đã phát triển thêm một bậc trong lĩnh vực giải trí và chắc chắn sẽ không dừng lại trên con đường chinh phục khán giả nhiều thế hệ, góp phần tạo nên những hương vị đặc sắc cho nền nghệ thuật của thế giới.

ÁI LAM
(Tổng hợp từ newyorker, reuters, digitalspy)

Chia sẻ bài viết