18/09/2010 - 20:37

Phim hình sự Việt chưa thật hấp dẫn

Phim hình sự “Ai” - nhiều chi tiết còn giả tạo.
Ảnh: phimdaily.
com

Khán giả ngày càng chán ngán khi màn ảnh nhỏ lúc nào cũng đầy ắp những bộ phim tình cảm, những cuộc tình éo le kiểu “nửa người nửa ta”. Gần đây, phim hình sự được chiếu ngày càng nhiều trên truyền hình. Nhưng những bộ phim thuộc thể loại này vẫn còn nhiều điều phải bàn...

Hàng loạt bộ phim hình sự đang chiếm lĩnh giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam: “Ám ảnh xanh” (VTV1), “Cuồng phong”, “Đầm lầy bạc” (VTV3). Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long cũng thay nhau chiếu những bộ phim phá án: “Luật giang hồ”, “Ai”, “Nhiệm vụ đặc biệt”, “Cuộc chiến trên sông”... Công bằng mà nói những bộ phim này góp phần làm cho việc giải trí của khán giả màn ảnh nhỏ thêm phong phú, phản ánh được những mặt trái của xã hội, được nhiều người quan tâm.

Có thể thấy, những bộ phim hình sự Việt Nam gần đây có những cố gắng, không còn theo “quy trình”: xảy ra vụ án, cảnh sát hình sự tới gặp nhân chứng, khám nghiệm hiện trường, điều tra... mà có những tình huống, kết cấu bất ngờ. Nhân vật sắc sảo hơn, góc quay đẹp hơn...

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì phim hình sự Việt hiện nay vẫn còn nhiều “sạn”. Trước hết, tình tiết trong phim có nhiều điểm bất hợp lý. Đơn cử như Trung úy Dương trong phim “Mặt nạ hoàn hảo” khi điều tra kẻ bị tình nghi giết người Vấn Sầm, đã đóng giả người bạn của Sầm để hỏi thăm thông tin về Sầm qua những người xe ôm đậu trước cửa nhà của hắn ta. Ngay ngày hôm sau, Dương lại đóng giả chạy xe ôm ngồi đợi khách bên cạnh những người xe ôm mà Dương vừa hỏi thăm hôm qua (?). Hay cảnh phục kích của những chiến sĩ công an trong phim “Nhiệm vụ đặc biệt”: trong đêm tối của núi rừng Tây Nguyên mà đội nón có huy hiệu sáng lấp lánh, quân phục hiện rõ hàng chữ “police” dạ quang thì còn gì là bí mật?

Phim hình sự còn được gọi là phim hành động với đặc thù là những pha hành động có bắn súng, đấu võ. Nhưng trong một số phim, những gã trùm to con, tướng tá bặm trợn, được “đàn em” xưng tụng “võ nghệ cao cường” mà chỉ bị một nữ công an nhỏ nhắn “khều” nhẹ cũng ngã lăn quay, thậm chí... hộc máu. Có nhân vật chưa đánh đã té, chưa bắn đã chết. Có trường hợp nhân vật chạy qua đường, xe chưa chạy đến đã lăn đùng ra “nằm vạ”...(!).

Phim hình sự Việt cũng rơi vào “căn bệnh” nói nhiều, lời thoại lòng vòng. Đặc biệt, ngay trong cảnh họp bàn phá án, các nhân vật cứ nói huyên thuyên, “thuyết giảng”. Có cảm giác như một số phim dùng lời thoại để kéo dãn ra dài lê thê.

Có một mô típ rất quen trong những bộ phim hình sự Việt là hễ cảnh sát, công an thì bị đổ vỡ hạnh phúc riêng. Nhất định phải có cho “bằng được” chi tiết vợ, chồng hay người yêu không thông cảm với nghề nghiệp đặc thù của họ. Những câu chuyện xoay quanh đời tư của các nhân vật trong phim thì rời rạc, không nằm trong mạch chính của phim như một kiểu lắp vá. Đa phần những chiến sĩ công an trong phim hình sự đều giống nhau: hiền, thiếu cá tính, chỉ biết đáp “Rõ!” và “sai đâu đánh đó”.

Phim hình sự Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của phim Mỹ, Trung Quốc, Hồng Công...

Các nhà làm phim hình sự cần nghiêm túc xem lại cách thức làm phim của mình. Phải có sự đầu tư, thực hiện nghiêm túc từ khâu kịch bản đến kỹ xảo, diễn xuất của diễn viên, lời thoại... để phim hình sự thật sự thu hút khán giả màn ảnh nhỏ.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết