12/10/2021 - 09:00

Phe bảo thủ châu Âu chao đảo 

Bê bối tham nhũng dẫn đến phải từ chức của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz không chỉ là câu chuyện riêng của quốc gia Trung Âu mà còn hé mở cuộc khủng hoảng của phe bảo thủ trên khắp châu Âu, tờ New York Times đánh giá.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Đức Armin Laschet trước áp lực từ chức sau thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Ảnh: Getty Images

Lên nắm quyền hồi năm 2017 ở tuổi 31, Thủ tướng Kurz trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Âu và là “ngôi sao” trong giới bảo thủ khi xây dựng hình ảnh bản thân như người mang lại thay đổi chính trị đáng kể tại Áo. Trong bối cảnh làn sóng dân túy lan rộng ngay tại những quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Ðức, chính trường Vienna tiếp tục là sân chơi của cánh hữu khi ông Kurz với đường lối cứng rắn về nhập cư và cam kết tiếp tục hiện đại hóa đất nước đã đưa đảng trung hữu Nhân dân Áo (OVP) thành một phong trào chính trị nổi bật, thu hút hàng trăm ngàn người ủng hộ mới. Hồi tháng 8, vị này được tái bổ nhiệm chức chủ tịch OVP với mức ủng hộ tới 99,4%.

Trên bình diện quốc tế, chuyên gia Thomas Hofer cho rằng “mô hình Kurz” từng là hình mẫu cho các nhà lãnh đạo trung hữu ở châu Âu trong bối cảnh các đảng trung tả và trung hữu từng thống trị ở Tây Âu sau năm 1945 dần mất chỗ đứng trước một loạt chủ thể chính trị mới, đặc biệt là sự trỗi dậy của phe cánh hữu cực đoan. Ðơn cử như Pháp, phe trung hữu truyền thống đã không giành thắng lợi nào trong các kỳ bầu cử quốc gia kể từ năm 2007. Còn tại Ý, quyền lực của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo vốn đồng nắm quyền trong gần nửa thế kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng bắt đầu thu hẹp khi nền chính trị ở quốc gia này ngày càng phân cực trong 20 năm qua. Trong cuộc bầu cử gần đây, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Ðức Angela Merkel cũng để thua đối thủ với kết quả tệ nhất trong vòng 70 năm qua. Một trong số ít các nhà lãnh đạo trung hữu thành công còn lại ở Tây Âu là Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Theo nhà khoa học chính trị Dominique Moïsi, nền chính trị châu Âu đang phân mảnh hơn bao giờ hết, trong đó lằn ranh giữa cánh tả với cánh hữu dần bị xóa nhòa. Ðiều này khiến một số nhân vật bảo thủ hàng đầu tìm cách lấy lại ưu thế và coi ông Kurz như kiểu mẫu lý tưởng. Nhưng bước “sảy chân” vừa qua của chính trị gia trẻ tuổi nổi tiếng với quan đểm cứng rắn trong vấn đề nhập cư đã cho thấy “mô hình Kurz” với cách tiếp cận gần với chủ nghĩa dân túy cực hữu không phải là chiến lược khả thi. Nó cũng hé lộ cuộc khủng hoảng mà các đảng bảo thủ truyền thống ở lục địa này đang đối mặt, đó là sự xuất hiện và đang lan rộng trên khắp châu Âu của nền chính trị cánh hữu mới pha trộn giữa bản sắc trung hữu cũ và chủ nghĩa cánh hữu cực đoan mà ông Kurz là một đại diện.

Cựu Thủ tướng Pháp Philippe lập đảng mới

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 9-10,  cựu Thủ tướng Édouard Philippe đã tuyên bố thành lập đảng mới có tên là “Horizons” (tạm dịch là Những chân trời). Ông Philippe hiện là thị trưởng Le Havre, là người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 sắp tới.

Ông Philippe khẳng định việc thành lập chính đảng mới không phải để chạy đua vào Điện Élysée năm tới, mà là để “đảm bảo rằng Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron tái đắc cử”.

Với việc thành lập đảng Horizons, ông Philippe mong muốn mở rộng cơ sở bầu cử của ông Macron sang cánh hữu. Ngoài ra, đảng Horizons có thể đề cử các ứng viên cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6-2022, từ đó tạo cơ sở để ông Philippe bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2027.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết