13/12/2016 - 21:02

Phát triển vườn cây ăn trái hiệu quả

Huyện Phong Điền có nhiều mô hình vườn cây ăn trái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm... Kinh tế vườn là thế mạnh của huyện, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

* Chuyển đổi…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, năm 2016, thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhìn chung, ngành nông nghiệp huyện vẫn có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất bình quân năm 2016 đạt 1.758 tỉ đồng (tăng 9,7% so với năm 2015), bình quân giá trị sản xuất trên 1ha đạt 167 triệu đồng (năm 2015 là 150 triệu đồng/ha). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp năm 2016 tương đối mạnh; đã có khoảng 600 ha vườn cây ăn trái kém hiệu quả, vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả được cải tạo và chuyển sang trồng cây ăn trái hiệu quả; 600 ha lúa kém hiệu quả chuyển qua trồng rau màu…

Nhiều nông dân Phong Điền khá lên nhờ cây vú sữa.

Huyện Phong Điền hiện có hơn 6.500 ha cây ăn trái với sản lượng trên 90.000 tấn/năm. Nhìn chung các loại cây ăn trái được trồng đa dạng, đảm bảo sản lượng, chất lượng, chủng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như yêu cầu về phát triển du lịch sinh thái… Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Xây dựng quy hoạch nông thôn mới của huyện trước đây có bao gồm quy hoạch sản xuất, quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, đầu tư hệ thống hạ tầng cho từng khu vực, đê bao khép kín cho vườn cây ăn trái, phát triển thủy lợi… Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương tập trung vào thế mạnh của mình là phát triển vườn cây ăn trái. Giai đoạn 2011 đến nay, huyện đã cải tạo trồng mới khoảng 2.800ha vườn cây ăn trái; sau đợt lũ năm 2011, tái cấu trúc vườn cây ăn trái bị thiệt hại lớn…

Phong Điền có nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: vú sữa diện tích trên 1.040ha, cho thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/ha/năm; nhãn Ido hơn 100ha, cho thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng/ha/năm. Dâu Hạ Châu – loại cây ăn trái lợi thế và mang tính đặc trưng của huyện, có diện tích khoảng 600ha, cho thu nhập khoảng 220-250 triệu đồng/ha/năm. Cam mật không hạt và cam xoàn (diện tích hơn 200ha) là những loại cây địa phương mới phát triển trồng khoảng 3 năm trở lại đây và bắt đầu cho trái đầu, rất có triển vọng. Cây chanh không hạt diện tích gần 200ha, hiệu quả kinh tế khá tốt, cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm…

* Tập trung các loại cây có giá trị kinh tế cao

Ông Huỳnh Văn Hai ở ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền có 3,5 công đất tầm lớn trồng vú sữa, cho biết: Cách nay hơn 1 tháng - thời điểm đầu vụ, vú sữa có giá trên 35.000 đồng/kg, hiện nay còn 15.000-16.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn có lời lớn. Vườn vú sữa của ông có 70 gốc, thu hoạch dự kiến được 14 tấn, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 150-160 triệu đồng. Vú sữa được thương lái tới tận vườn mua... Theo ông Trương Văn Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ vú sữa ấp Tân Hưng, những năm gần đây phong trào trồng vú sữa ở Phong Điền phát triển mạnh. Câu lạc bộ hiện có 36 hộ, diện tích ổn định khoảng 25ha, năng suất vú sữa đạt 20-25 tấn/ha, thu nhập khoảng 250-500 triệu đồng/ha/năm. Thời gian qua, các thành viên câu lạc bộ hợp tác đầu tư bờ bao, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng vú sữa, thị trường...

Ông Phạm Văn Đảo ở ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới trồng mới 1 ha cam mật không hạt được gần 3 năm. Định hướng bán cam cho các cửa hàng trái cây sạch nên ông trồng theo quy trình VietGAP. Năm nay, vườn cam của ông cho trái vụ đầu tiên, thu hoạch khoảng 2,5 tấn, bán với giá 35.000 đồng/kg, được hơn 80 triệu đồng. Đây là giống cây mới nhưng nhìn chung vườn cam phát triển tốt, giá cam mật không hạt cũng đang ổn định ở mức cao. Ông dự kiến trong năm tới vườn cam nhà sẽ cho thu hoạch 10 tấn, thu nhập trên 300 triệu đồng...

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, định hướng tới, huyện tập trung phát triển diện tích một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, thị trường đầu ra tốt như: cam mật không hạt, chanh không hạt, nhãn Ido, sầu riêng… Riêng dâu Hạ Châu và vú sữa, huyện không chủ trương mở rộng diện tích mà cố gắng giữ chất lượng và nâng cao năng suất. Phát triển vườn cây ăn trái gắn với vùng chuyên canh, theo chuỗi giá trị (hình thành các tổ hợp tác, xây dựng hợp tác xã theo từng vùng chuyên canh), kết hợp với một số doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường... Thời gian qua, ngành nông nghiệp Phong Điền cũng tích cực hỗ trợ nhà vườn về mặt kỹ thuật, tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái hiệu quả và định hướng nông dân những loại cây trồng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, khuyến cáo nông dân chọn những cây ăn trái có giá trị tốt. Thực hiện chương trình trợ giá giống cây con cho nông dân cải tạo, trồng mới, phát triển vườn cây ăn trái... Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống đê bao, thủy lợi. Nhờ đó, đến nay hệ thống đê bao đã đảm bảo được cho khoảng 90% diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện...

Bài, ảnh: HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết