30/10/2019 - 05:45

Phát triển sản xuất, xây dựng bền vững nông thôn mới 

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Mô hình nuôi lươn cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.

Đến nay, TP Cần Thơ đã xây dựng hoàn thành toàn bộ 36 xã đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân các địa phương chung tay xây dựng các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, theo nhận định của các địa phương: Việc hoàn thành chuẩn NTM chỉ là bước khởi đầu, tạo động lực các xã tiếp tục nâng chất các tiêu chí hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao mức thụ hưởng cho người dân nông thôn. Trong đó, thu nhập là tiêu chí có tác động chi phối đến các tiêu chí khác và dễ biến động. Để nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục quan tâm tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả… phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của thành phố, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng phát triển kinh tế hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập cho nông dân, phát triển nông thôn. Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân làm tiền đề huy động nguồn lực xây dựng NTM. Vĩnh Thạnh tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất. Đồng thời, quan tâm hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Đến nay, huyện có 31 hợp tác xã nông nghiệp với 1.009 thành viên. Những năm qua, hoạt động của các hợp tác xã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tạo được lòng tin trong các thành viên và có sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân.

Qua nhiều năm, mô hình cánh đồng lớn đã thực sự đem lại hiệu quả sản xuất rõ nét cho bà con nông dân, nhất là tạo đầu ra ổn định. Nếu như năm 2011, Cần Thơ triển khai cánh đồng lớn với quy mô ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay mô hình này đã được mở rộng hầu khắp các địa phương diện tích trên 20.000ha/vụ. Anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được hướng dẫn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách cân đối và hợp lý, mà vẫn đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, giảm nhẹ chi phí. Nhờ vậy, lợi nhuận của nông dân tăng thêm từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, nông dân không phải lo giá lúa đầu ra vì được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. 

Qua rà soát, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người huyện Phong Điền chỉ đạt 20,5 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên đến tháng 6-2019, đã đạt 50 triệu đồng/người/năm. Để đạt kết quả trên, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, phát huy lợi thế sẵn có ở địa phương, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Giai đoạn từ 2015 đến nay, huyện đã chuyển đổi, cải tạo hơn 1.000ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế như: nhãn Ido, vú sữa, sầu riêng… Đồng thời, xây dựng 4 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 99ha, gồm 136 hộ tham gia.

Bên cạnh phát triển trồng trọt, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, như: nuôi cá chạch lấu, nuôi lươn, nuôi ếch… Tận dụng diện tích đất trồng xung quanh nhà, nhiều hộ dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ nuôi lươn trong bể, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có thâm niên nuôi lươn không bùn hơn 10 năm nay, anh Trần Thiện Phi, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Được chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ lươn giống, anh quyết định nuôi thử cho biết. Tuy nhiên, qua quá trình nuôi lươn trong bể, nhận thấy đây là mô hình không chiếm nhiều diện tích, ít tốn công chăm sóc, thời gian nuôi ngắn và lợi nhuận cao, từ 1 bể ban đầu đến nay anh đã có gần 10 bể nuôi lươn. “1kg lươn bán ra có giá thấp nhất từ 170.000 đồng, trong khi vốn đầu vào chỉ khoảng 90.000 đồng. Lươn vừa lớn đã có người đến tận nhà thu mua, đôi khi không đủ lươn để bán. Từ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đầy đủ và thoải mái hơn” - anh Phi chia sẻ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng thu nhập, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn của thành phố là 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng 14,5 triệu đồng so năm 2015. Giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 52 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá như: Tăng đầu tư khoa học công nghệ gắn với dồn sức phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực tăng trưởng nhanh. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng quy mô lớn, tập trung; thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Phối hợp với các địa phương củng cố và nâng cao hiệu quả của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng và phát triển bền vững NTM…

Bài, ảnh: T. TRINH

 

Chia sẻ bài viết