23/08/2016 - 20:38

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, những năm qua, các địa phương triển khai nhiều mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Phát triển mô hình hiệu quả

Tại hầu hết các địa phương tham gia xây dựng NTM ở TP Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chính. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn, trong đó, chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, hình thành các liên kết sản xuất, thu hút các dự án về nông nghiệp, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… được triển khai trong thời gian qua, giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập.

 Nông dân xã Trung An, huyện Cờ Đỏ chăm sóc dưa hấu.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Là địa phương có thế mạnh về vườn cây ăn trái, huyện Phong Điền tập trung khôi phục, phát triển vườn cây ăn trái chuyên canh gắn với du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Song song đó, huyện quy hoạch và phát triển vườn cây ăn trái chuyên canh có định hướng với một số loại cây chủ lực, có thị trường tiêu thụ tốt, như: vú sữa, dâu Hạ Châu, sầu riêng, nhãn, măng cụt... Đến nay, Phong Điền hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung như vườn vú sữa 300ha ở Giai Xuân, dâu Hạ Châu 350ha ở xã Nhơn Ái; nhãn 300ha ở xã Trường Long và Nhơn Nghĩa; vùng trồng hoa kiểng ở Tân Thới với hơn 200.000 chậu/năm; vùng trồng rau màu trên 140ha... Đồng thời, mở rộng mô hình nuôi thủy sản cộng đồng, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao 543ha, trong đó mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là 103,84ha, tập trung tại 3 xã Trường Long, Nhơn Ái và Giai Xuân. Từ đầu năm đến nay, huyện Phong Điền vận động nông dân chuyển đổi trồng màu trên nền đất lúa được 487ha chủ yếu các loại: dưa hấu, bắp lai, mè... có 240ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, chuẩn bị trồng các loại cây ăn trái; 76,4ha diện tích vườn kém hiệu quả được cải tạo trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Thực hiện kế hoạch trợ giá giống cây trồng vật nuôi năm 2016, đến nay, Phong Điền đã triển khai hỗ trợ được 5.380 cây giống cam, 10.150 cây giống chanh không hạt, 4.000 cây giống nhãn Edor cho nông dân.

Triển khai thực hiện xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" từ vụ đông xuân 2011-2012, tại xã Thới Xuân với diện tích 428ha, 233 hộ nông dân tham gia đến vụ đông xuân 2015-2016, diện tích thực hiện cánh đồng lớn của huyện Cờ Đỏ đã tăng lên 11.456ha, với 5.249 hộ nông dân tham gia và có 12 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thực hiện cánh đồng lớn, giúp chi phí đầu vào thấp hơn ngoài mô hình và nông dân được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài 50-100 đồng/kg. Vì vậy, nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn khoảng 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài. Qua đó, góp phần tăng thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho nông dân, nông dân cũng có điều kiện đóng góp chung tay xây dựng NTM.

Bên cạnh khuyến khích nông dân phát triển mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa và các mô hình liên kết hợp tác sản xuất gắn với ổn định đầu ra sản phẩm. Thời gian qua, huyện Thới Lai tích cực vận động nhân dân cải tạo diện tích vườn cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cũng như phát triển các mô hình chăn nuôi phù hợp điều kiện từng nông hộ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi, giúp cải thiện thu nhập cho nhiều nông hộ như: mô hình trồng huệ trắng, trồng sen; mô hình nuôi heo nái, nuôi trăn sinh sản, nuôi lươn, nuôi ếch, nuôi bò… cho thu nhập từ hàng chục triệu đồng/năm.

Đẩy mạnh sản xuất

Tháng 3-2016, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) TP Cần Thơ chính thức khởi động. VnSAT được triển khai trên địa bàn 3 huyện, với 16 xã tham gia, gồm: Thạnh Lợi, Thạnh An, thị trấn Thạnh An và Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh; Thới Xuân, Trung Thạnh, Thạnh Phú, Trung Hưng và Đông Thắng huyện Cờ Đỏ; Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân, Trường Xuân A, Xuân Thắng, Trường Thành và Trường Xuân B, huyện Thới Lai. VnSAT đặt mục tiêu giúp nông dân áp dụng công nghệ sản xuất lúa tiên tiến, giúp lợi nhuận tăng thêm 30%, giá trị sản xuất vùng lúa ĐBSCL tăng thêm từ 40-60 triệu USD/năm. Đến năm thứ 3 của dự án, phấn đấu có từ 70- 75% nông dân được đào tạo sẽ áp dụng "3 giảm, 3 tăng". Sau đó, dự án sẽ hỗ trợ nông dân thành lập hoặc tăng cường năng lực cho các hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân để tiếp tục phát triển từ "3 giảm, 3 tăng" lên "1 phải, 5 giảm". Các hoạt động của VNSAT nhằm tạo ra bước đột phá trong 5 năm tới cho sản xuất lúa TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Thời gian qua, nông dân các địa phương tham gia dự án bắt đầu tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật sản xuất. Bà Hoàng Kim Cương, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP Cần Thơ, chia sẻ: Hầu hết các xã tham gia dự án là các xã đang xây dựng NTM. Thông qua dự án, giúp nâng cao cơ sở hạ tầng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo, nâng cao năng lực quản lý của các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao… Dự án góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, qua đó giúp các xã có điều kiện hoàn thành các tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10), giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11), hoàn thiện hệ thống thủy lợi (tiêu chí số 3), hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13)…

Tiếp tục phát huy hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Thới Lai, huyện rà soát, xem xét lại quy hoạch sản xuất trên quy mô lớn để khắc phục tình trạng mất cân đối trong sản xuất. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân; tập trung xây dựng những vùng sản xuất lớn theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian tới, huyện Phong Điền tiếp tục phát triển vườn cây ăn trái theo 2 hướng: chuyên canh và gắn với du lịch sinh thái. Tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất... Ngoài ra, xây dựng và triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020.

Bài, ảnh: T.TRINH

Chia sẻ bài viết