29/12/2014 - 20:18

Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng

Năm 2014, dù bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi nhưng ngành nông nghiệp cả nước đạt rất nhiều kỳ tích, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản tăng kỷ lục... Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành và nông dân sản xuất, cùng doanh nghiệp. Đây là nền tảng để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm mới.

Vượt khó

Năm 2014, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Song, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành đạt khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu tăng kỷ lục. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,3%; vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%); tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014. Trong đó, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn; sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng 250.000 tấn; sản lượng sắn tăng 6,3%; cà phê tăng 5,2%; chè tăng 6,7%; hồ tiêu tăng 2,5%... so với năm 2013. Nhiều cây trồng đã đem lại cho các hộ nông dân giỏi đạt thu nhập trên 1 tỉ đồng/ha/năm như: hồ tiêu, cam, thanh long... Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng đạt 3,62 triệu tấn, tăng 4%. Thị trường xuất khẩu hàng nông sản được mở rộng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2013; với 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và được nhân dân ủng hộ; đến nay có 97% số xã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% số xã phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất…

 Các tỉnh, thành ĐBSCL đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có phát triển bền vững thế mạnh con cá tra.

Song, năm 2014 ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, yếu kém như: triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương; tăng trưởng của ngành có cải thiện nhưng còn ở mức thấp hơn mức tăng trưởng của giai đoạn 2006-2010; chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, một số lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ gặp khó khăn như: cao su, cá tra, mía đường. Khu vực hợp tác xã còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế hộ nhỏ lẻ, ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; thu hút đầu tư tư nhân rất hạn chế… Trong khi năm 2015 được dự báo sẽ rất nhiều khó khăn đối với hàng nông sản khi thị trường rộng cửa hội nhập, nhiều dòng thuế mặt hàng nông sản sẽ cắt giảm còn 0%, điều này sẽ tác động mạnh đến thu nhập của nông dân, tạo sức ép cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp nội địa. Do đó, tái cơ cấu ngành theo hướng tăng chất lượng là việc làm cấp thiết hiện nay.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Năm 2015, ngành nông nghiệp cả nước xác định đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỉ USD. Trong lĩnh vực trồng trọt, rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa hướng tới mục tiêu nâng cao nhanh hơn thu nhập cho nông dân; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững… Nỗ lực phòng chống dịch bệnh tạo môi trường thuận lợi phát triển chăn nuôi, xúc tiến xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố ước đạt hơn 14.855 tỉ đồng, tăng 3,5% so với năm 2013. Năm 2015, thành phố xác định tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tập trung, phát triển vùng sản xuất chuyên canh theo hướng liên kết, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; phát triển một số thương hiệu nông sản… Ngành nông nghiệp thành phố kiến nghị ưu tiên các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ, tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động khuyến nông gắn với xây dựng cánh đồng lớn, bố trí vốn đầu tư hỗ trợ mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, cho biết: Địa phương đang tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, nhất là Đồng Tháp đang phát triển theo chuỗi giá trị mặt hàng lúa gạo và cá tra. Liên kết giữa doanh nghiệp và HTX ở địa phương đã có kết quả bước đầu. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương rất cần các nguồn lực đầu tư, nhất là hỗ trợ của Trung ương trong đầu tư công, nguồn vốn ODA. Tỉnh đang tập trung nâng cao năng lực các HTX, mở rộng quy mô xã viên tham gia. Bộ NN&PTNT cần đề xuất Chính phủ ban hành nghị định riêng đối với các HTX nông nghiệp. Đồng Tháp đang triển khai các dự án ODA đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần Trung ương hỗ trợ vốn đối ứng thực hiện giải phóng mặt bằng…

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh: Năm 2015 tình hình kinh tế thế giới phục hồi nhưng chậm, trong khi trên 83% sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường bên ngoài nên rất phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, do đó phải tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành nông nghiệp hướng tới cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý ngành, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phổ biến những mô hình thành công, sản xuất giỏi và có hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nỗ lực hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết